Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong 9 tháng năm 2017, Tổng cục đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính và kế hoạch tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính năm 2017 của Tổng cục; tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện cải cách hành chính trong toàn Tổng cục. Định kỳ báo cáo kết quả cải cách hành chính các quý theo quy định.
Một trong những thay đổi quan trọng trong thủ tục hành chính đó là sự ra đời của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã cắt giảm thời gian thực hiện một số thủ tục xuống còn một nửa so với trước đây theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các thủ tục về đất đai.
Cụ thể, Nghị định đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, tạo nhiều thuận lợi cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liến với đất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Một số nội dung cải cách đáng quan tâm là, cơ chế ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận, thông qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính đối với hộ gia đình, cá nhân sẽ giảm đáng kể chi phí và thời gian luân chuyển hồ sơ từ các huyện, thị xã, thành phố về Sở TN&MT.
Đối với dự án có nhiều hạng mục công trình (được thể hiện trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giấy phépđầu tư, giấy chứng nhậnđầu tư, giấy chứng nhận đăng kýđầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, giấy phép xây dựng) nếu chủ đầu tư có nhu cầu và có đủ điều kiện, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho từng hạng mục công trình hoặc từng phần diện tích của hạng mục công trình đó.
Một nội dung cải cách đáng chú ý nữa là thời gian giải quyết đối với nhiều thủ tục đăng ký biến động đất đai được quy định rút ngắn từ 1/3 đến 2/3 so với trước đây nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, thời gian rút ngắn đáng kể nhất là thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung của vợ và chồng (trước đây là 15 ngày, nay chỉ còn 5 ngày); cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất chỉ còn 10 ngày (trước đây là 30 ngày). Các thủ tục rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây là: cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng chỉ còn 15 ngày; gia hạn sử dụng đất chỉ còn 7 ngày; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất chỉ còn 5 ngày. Các thủ tục rút ngắn 1/3 thời gian gồm: chứng nhận bổ sung tài sản gắn liền với đất, tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý (từ 20 ngày xuống còn 15 ngày); các thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất còn lại (từ 15 ngày xuống còn 10 ngày).
Tiếp đó, ngày 19/9/2017, Tổng cục đã có Văn bản số 1671/TCQLĐĐ-CSPC gửi Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT dự thảo Quyết định công bố Thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT được quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ.
Thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp chế trình Bộ ban hành Quyết định công bố Thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT được quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Tổng cục sẽ phân cấp việc quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai và gắn với trách nhiệm giải quyết của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với chủ trương, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và điều kiện cụ thể theo từng giai đoạn; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở; bổ sung các thủ tục còn thiếu và cần thiết, loại bỏ các thủ tục trùng lặp. Công khai các thủ tục hành chính và có cơ chế giám sát việc thực hiện.
Theo TNMT