Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính sách tự cung tự cấp để đạt mục tiêu an ninh lương thực tại Indonesia – Phần 2: Các chính sách thúc đẩy tự cung tự cấp của Indonesia
18 | 11 | 2016
Để đạt mục tiêu tự cung tự cấp thực phẩm thiết yếu, chính phủ Indonesia đã triển khai một hệ thống chính sách toàn diện, bao gồm: đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ mới, giá cả và thương mại, hỗ trợ đầu vào và ưu đãi tín dụng. Chính sách thúc đẩy sản xuất gạo, ngô và đậu tương khá tương đồng nhau, nhưng chính sách liên quan đến đường và thịt bò lại khá khác biệt. Phân tích sau tập trung vào các sản phẩm trồng trọt: gạo, ngô và đậu tương

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Các hệ thống thủy lợi là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất giúp tăng sản xuất lúa gạo. Các báo cáo mới nhất của Indonesia cho biết có đến gần 55% cơ sở hạ tầng thủy lợi của nước này bị hư hại do bảo dưỡng yếu kém. Phản ứng trước vấn đề này, chính phủ đã đặt ra ưu tiên tái thiết hệ thống thủy lợi và xây dựng các cơ sở hạ tầng mới như các đập và hồ chứa. Hệ thống thủy lợi được xây dựng mới hoặc tái thiết của Indonesia năm 2015 phục vụ cho 1,6 triệu ha đất lúa, chỉ xấp xỉ 52% so với mục tiêu 3 triệu ha đất lúa trong giai đoạn 2015 – 2019. Chi phí đầu tư hệ thống này ước tính 755,6 triệu USD. Ngoài thủy lợi, Bộ Nông nghiệp cũng thúc đẩy sử dụng máy móc cơ khí để tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã bàn giao 26.100 máy kéo, 5.563 máy gieo hạt, và 2.790 máy gặt đập liên hợp cho nông dân. Các máy móc này sẽ được bàn giao và quản lý bởi các nhóm nông dân, đặc biệt là tại các khu vực sản xuất lúa gạo chính.

Ứng dụng các công nghệ mới

Công nghệ mới là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng năng suất của các loại nông sản thiết yếu. Quản lý mùa màng tổng hợp (Integrated Crop Management – ICM), đặc biệt là cho lúa, bao gồm sử dụng giống chất lượng tốt hơn, chuẩn bị đất, sử dụng phân bón hợp lý, quản lý dịch hại tổng hợp, và quản lý hoạt động sau thu hoạch, đã được biết đến rộng rãi. Các cánh đồng trình diễn đã phổ biến công nghệ này tại các khu vực sản xuất chính, được thực hiện bởi các nhà khoa học và các chuyên gia khuyến nông. Để thúc đẩy sự hợp tác giữa các tác nhân và thúc đẩy nông dân thực hành các biện pháp trên, Bộ NN cũng điều động một lượng lớn nhân sự cấp cao và nhân viên của Bộ từ trụ sở chính, 51.000 nhân sự quân đội, 8.600 sinh viên ngành nông nghiệp, và 25.400 chuyên gia khuyến nông tham gia chương trình. Hiện có một số chỉ trích cách tiếp cận này, tập trung vào ảnh hưởng của nó lên kinh nghiệm và các sáng kiến sản xuất từ địa phương. Hơn nữa, cũng có những băn khoăn đặt ra về mức độ cách tiệp cận này đóng góp vào hệ thống sản xuất bền vững.

Giá cả và thương mại

Để đảm bảo động cơ sản xuất cho nông dân, chính phủ quyết định giá thu mua lúa cho nông dân cao hơn giá trên thị trường thế giới. Hoạt động thu mua lúa gạo được triển khai bởi BULOG – doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù BULOG chỉ thu mua khoảng 5% tổng sản lượng lúa gạo, cơ chế này vẫn có tác động đẩy giá cả thị trường tăng. Theo Erwidodo (2015), giá thị trường của cả lúa và gạo luôn cao hơn giá thu mua. Mặt khác, tình trạng này khiến BULOG lâm vào thế khó do theo quy định, nếu giá thị trường cao hơn giá thu mua thì cơ quan này không được phép thu mua lúa gạo từ thị trường nội địa.

Dự trữ gạo của BULOG nhằm 2 mục tiêu: (a) Bán gạo ở giá được trợ cấp cho các gia đình nghèo thông qua chương trình RASKIN (gạo cho người nghèo); (b) Can thiêp thị trường mở để bình ổn giá gạo bán lẻ nếu giá chạm một ngưỡng nhất định. Năm 2015, giá thu mua được ấn định ở mức 4.650 Rupiah/kg (0,34 USD/kg) cho lúa khô và 7.300 Rupiah/kg (0,54 USD/kg) cho gạo thành phẩm.

Các quy định tương tự cũng được ban hành đối với giá cổng trại của đậu tương và mía đường. Trong trường hợp mía đường, giá thu mua là giá tham chiếu cho các nhà máy đường thu mua mía đường từ nông dân. Tuy nhiên, trong trường hợp của đậu tương, chính sách không được triển khai tốt do BULOG không nhận đủ ngân sách để triển khai công việc.

Là một phần không thể thiếu trong chính sách bình ổn giá, năm 2015, thông qua chương trình RASKIN, BULOG đã phân bổ 2,7 triệu tấn gạo tới 15,5 triệu gia đình nghèo. Mỗi gia đình nhận 15kg/tháng với trợ cấp 87,8%. Chi phí cho khoản trợ cấp này trong năm 2015 xấp xỉ 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên cũng có một số chỉ trích về chính sách này, đặc biệt là liên quan đến chất lượng gạo thấp, ảnh hưởng của chương trình lên thị trường gạo nội địa và thất thoát gạo cho những gia đình không đạt tiêu chuẩn tham gia chương trình.

Để tăng vai trò của BULOG trong bình ổn giá gạo ở cấp sản xuất, năm 2015, Bộ NN đã triển khai Toko Tani Indonesia (Indonesian Farmer’s Shop) để mua các sản phẩm nông sản (bao gồm gạo), trực tiếp từ nông dân. Cũng trong năm 2015, 36 điểm thu mua được thành lập và năm 2016, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cửa hàng được lập ra tại Indonesia.

Để phụ thuộc vào giá thu mua nội địa, nhập khẩu cũng được chính phủ trực tiếp kiểm soát. Hàng năm, chính phủ quyết định liệu nhập khẩu có cần thiết hay không và nếu cần thì là bao nhiêu. Cơ chế này cũng được áp dụng cho tất cả 5 hàng hóa chiến lượng. Nhập khẩu gạo chất lượng trung bình được giao độc quyền cho BULOG, trong khi nhập khẩu ngô, đậu tương, đường và động vật sống được chia sẻ cho BULOG và khu vực tư nhân. Một số nhà phân tích bình luận rằng chính sách kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ có ảnh hưởng lớn tới việc tăng giá trên thị trường nội địa.

Trợ cấp đầu vào

Để thúc đẩy tăng trưởng năng suất, đặc biệt là đối với các nông sản thiết yếu, ứng dụng các đầu vào hiện đại như phân bón là rất cần thiết. Để thúc đẩy nông dân sản xuất nhỏ sử dụng phân bón, chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp, theo đó nông dân có thể mua phân bón ở mức giá hợp túi tiền của họ (dành cho nông dân sản xuất với quy mô dưới 2ha). Khoản trợ cấp này được trao gián tiếp cho các nhà sản xuất phân bón bán sản phẩm cho nông dân với giá thấp hơn. Trước khi bắt đầu vụ sản xuất mới, Bộ NN ban hành một thông tư về ước tính nhu cầu của từng loại phân bón theo từng tỉnh cùng với giá bán lẻ tham chiếu cho mặt hàng phân bón. Dựa trên các thông tin này, thủ hiến từng địa phương sẽ phân bổ nhu cầu phân bón tại từng tỉnh. Thông tư này cũng đóng vai trò tham chiếu cho các doanh nghiệp phân bón để phân bổ nguồn cung tại từng khu vực cụ thể.

Năm 2016, nhu cầu phân bón trên cả nước ước khoảng 4,1 triệu tấn đối với phân urea, 850.000 tấn phân SP-36, 1,1 triệu tấn phân ammoniac (ZA), 2,5 triệu tấn phân tổng hợp (NPK) và 1,1 triệu tấn phân hữu cơ. Giá bán lẻ tham chiếu cho từng loại phân là US$ 0.14/kg cho Urea, US$ 0.15/kg cho SP-36, US$ 0.11/kg cho ZA, US$ 0.17/kg cho NPK, và US$ 0.04/kg cho phân hữu cơ. Năm 2015, tổng chi tiêu chính phủ cho trợ cấp phân bón là khoảng 2,3 tỷ USD. Theo OCED (2012), chi tiêu cho trợ cấp phân bón chiếm khoảng 37% tổng ngân sách trợ cấp nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010.

Cơ chế trợ cấp tương tự cũng được dùng cho giống lúa, ngô và đậu tương. Các giống cây trồng này được sản xuất bởi các công ty sở hữu nhà nước (PT Sang Hyang Sri và PT Pertani) hợp tác với những nông dân được lựa chọn. Năm 2015, chính phủ chi 68,1 triệu USD trợ cấp các giống cây trồng này.

Ưu đãi tín dụng

Một trong những trở ngại chính của nông dân sản xuất nhỏ là vốn lưu động hạn chế nên khó trang trải cho chi phí hoạt động sản xuất. Ngoài ra, họ cũng bị giới hạn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính của ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã triển khai một chương trình tín dụng nhằm các mục tiêu an ninh lương thực với mức lãi suất được trợ cấp. Ngoài chương trình được triển khai bởi chính quyền trung ương. Một số chính quyền địa phương cũng triển khai chương trình tương tự để tiếp cận được càng nhiều nông dân càng tốt. Năm 2015, chi phí cho chương trình hỗ trợ lãi suất là 14,7 triệu USD. Tuy nhiên, một só báo cáo cho rằng cơ chế tín dụng này không chỉ có nông dân tham gia, do những hạn chế về quản trị.

Các chính sách đặc thù liên quan đến sản xuất thịt bò

Chương trình phát triển ngành chăn nuôi bắt đầu từ năm 2014 tập trung vào 6 kế hoạch chính được triển khai bởi Tổng cục Chăn nuôi và Thú y (Directorate General of Livestock and Animal Health Services – DGLAHS) thuộc Bộ Nông nghiệp. Các kế hoạch hành đồng này bao gồm”

  • Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu: (a) Thành lập 74 cơ sở giết mổ tại cả khu vực sản xuất và tiêu dùng, (b) 3 cảng biển và 18 khu vực bốc dỡ hàng cho các nhà sản xuất và cảng đến, (c) 4 tàu chở vật nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn phúc lợi động vật, (d) 800 thiết bị nước ngầm trên toàn quốc.
  • Quy định nhằm mục tiêu: (a) Ban hành quy định cập nhật về cấm giết mổ bò có năng suất làm việc cao, (b) quy định cập nhật về thuế nhập khẩu bò có năng suất làm việc cao.
  • Sản xuất chăn nuôi với mục tiêu đưa số đầu con lên 3,2 triệu.
  • Các hệ thống khép kín nhằm mục tiêu: (a) tăng đàn bò lên 100.000 con tại các khu vực trồng cọ lấy dầu, (b) sử dụng hiệu quả 164.000ha đất đồng cỏ.
  • Cải thiện kiến thức và kỹ năng cho 990 nông dân chăn nuôi.
  • Cải thiện chất lượng con giống.

 

Kết luận

Trong ngắn hạn, hệ thống chính sách mới để đạt mục tiêu tự cung tự cấp thực phẩm, đặc biệt trong sản xuất lúa gạo, tương đối thành công. Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản liên quan đến hệ thống sản xuất nông sản thực phẩm vẫn chưa giải quyết được, bao gồm: (a) nguồn lực công chi tiêu quá lớn cho ngành này tạo ra mất cân đối phân bổ nguồn lực và hệ thống sản xuất không hiệu quả, (b) bất chấp sự hỗ trợ lớn từ chính phủ, nông dân không có thu nhập đáng tin cậy từ trồng trọt, (c) quá chú trọng tới các ngành này làm giảm động lực đa dạng hóa theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao hơn như rau quả, trái cây và các sản phẩm chăn nuôi, (d) giá bán lẻ tương đối cao làm giảm khả năng tiếp cận thực phẩm của gia đình nghèo (rất nhiều trong số này là gia đình làm nông nghiệp) để hấp thụ đủ dinh dưỡng cần thiết.

Để đạt mục tiêu có hệ thống sản xuất thực phẩm hiệu quả, bền vững và hiện đại, các cải cách chính sách cần tập trung vào: (i) thúc đẩy tăng năng suất và chất lượng tốt hơn nhờ cải tiến công nghệ, (ii) đặt trọng tâm vào hạ nguồn chuỗi giá trị để tạo ra GTGT và mở ra những cơ hội mới cho lĩnh vực phi nông nghiệp, (iii) xây dựng tính vững bền cho ngành này để dự đoán và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các hiện tượng tự nhiên khác và các cú shock kinh tế, (iv) cải cách chính sách chi tiêu chính phủ từ trợ cấp sang tăng chi tiêu cho các dịch vụ chung như nghiên cứu và phát triển, đào tạo khuyến nông, các tiêu chuẩn và chứng nhận, bảo tồn nguồn lực tự nhiên và xúc tiến thương mại.

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường