Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hồ tiêu: Để giữ vững vị thế dẫn đầu
20 | 03 | 2020
Từng giữ vững ngôi vương xuất khẩu (XK) khi liên tục giữ vị trí thứ nhất trên thị trường, chiếm đến 70% thị phần XK hồ tiêu của thế giới, song XK hồ tiêu đang phải đối diện với hàng loạt những khó khăn do giá XK suy giảm, quy hoạch vượt diện tích.

Giá bán giảm sâu

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã XK 53.000 tấn hồ tiêu, trị giá 81 triệu USD, tương đương 97,2% về lượng và 81,2% về giá so với cùng kỳ năm trước. Ba năm gần đây (2017-2019), giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục do nguồn cung liên tục tăng từ 8%-10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Cung vượt cầu khiến giá tiêu lao dốc, trước đây giá hồ tiêu trong nước có thời điểm lên đến 250 nghìn đồng/kg, nay xuống chỉ còn khoảng 45- 46 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn do bị lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ rõ, điểm mạnh của hồ tiêu Việt Nam là đã được Chính phủ hoạch định là một trong 10 ngành nông sản có lợi thế XK của Việt Nam. Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60 – 70 nghìn tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm.

Cam kết mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng hứa hẹn mang lại hiệu quả lớn cho hồ tiêu. Đơn cử, với CPTPP, có chín nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hạt tiêu xanh.

“Trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ XK không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng XK toàn cầu. Do vậy, có thể nói hạt tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn, đặc biệt là đối với ba nước chưa có Hiệp định thương mại nào với Việt Nam là Canada, Mexico và Perus” – ông Trần Quốc Toản chỉ rõ.

Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường XK vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).

Giải pháp nào cho XK hồ tiêu?

Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, đối với hồ tiêu, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Do đó, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, trên thực tế, giá bán hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt (nếu cùng chủng loại), do đó, để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Vì vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Trong bối cảnh giá hồ tiêu đang xuống thấp, để nâng cao giá trị hồ tiêu XK, phải có được quy hoạch với diện tích hồ tiêu ổn định.

Cụ thể, với nhu cầu của thế giới và điều kiện của Việt Nam, nên duy trì diện tích trồng hồ tiêu hiện nay vào khoảng 100-120 nghìn ha (diện tích hiện nay là trên 150 nghìn ha); diện tích cho sản phẩm 95 nghìn ha, năng suất bình quân 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237-256 nghìn tấn. Đến năm 2025, diện tích trồng hồ tiêu 110 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm 94 nghìn ha, năng suất bình quân 26 tạ/ha, sản lượng khoảng 244 nghìn tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng hồ tiêu 100 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm 90 nghìn ha, năng suất bình quân 27 tạ/ha, sản lượng khoảng 243 nghìn tấn, chiếm 40% thị phần thế giới.

Đặc biệt, để tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, XK với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn, đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ. Đồng thời khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng XK đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030…

Nguồn: Báo Công Thương



Báo cáo phân tích thị trường