Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỳ tích vượt qua “tâm bão” hồ tiêu
23 | 04 | 2020
Trong khi phần lớn hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang bỏ bê vườn rẫy vì không có khả năng chăm sóc, nhiều người vẫn chọn gắn bó với cây tiêu dù đang trong thời “bão giá, bão bệnh”. Họ dựa vào kinh nghiệm, sáng tạo nhiều kỹ thuật chăm sóc, canh tác để giữ vườn tiêu xanh tốt. Ý chí và sự quyết tâm của họ đã tạo nên kỳ tích về những vườn tiêu “miễn dịch” với bệnh chết nhanh, chết chậm và “nói không” khi rớt giá suốt nhiều năm qua.

Bình Long một thời từng là thủ phủ hồ tiêu của Bình Phước. Danh tiếng ấy đã lùi vào dĩ vãng, bởi nhiều năm qua Bình Long không còn những vườn tiêu bạt ngàn. Thế nhưng, ở giữa nội ô thị xã Bình Long hôm nay, vẫn còn một vườn tiêu 1 ha xanh mướt đã hơn 20 năm tuổi, vượt qua bao thăng trầm trụ vững với thời gian. Những chuỗi tiêu no hạt cùng lão nông chủ vườn Nguyễn Văn Đô như một bài toán hay không phải ai cũng giải được và thưởng thức nét đẹp của những con số.

Tại huyện Phú Riềng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Long Bình đã giải được nhiều bài toán cực khó để lên ngôi “Vua trồng tiêu” của Bình Phước với vườn tiêu liền khoảnh 25 ha mà phần lớn cũng đã hơn 20 năm tuổi và thêm 9 ha cũng chỉ trồng hồ tiêu ở địa bàn khác.

SỐNG SÓT SAU “ĐẠI HỒNG THỦY”

Trái ngược với màu vàng úa ở những vườn tiêu trên cùng địa bàn thị xã Bình Long, là màu xanh mướt và những chuỗi tiêu no hạt đang chuẩn bị cho vào máy tuốt. Đó là hình ảnh đẹp chúng tôi rất ấn tượng khi đến vườn tiêu của hộ ông Nguyễn Văn Đô ở phường An Lộc, thị xã Bình Long những ngày cuối cùng của vụ thu hoạch tiêu năm nay. Chúng tôi được ông Đô chia sẻ bí quyết để gia đình giữ được vườn tiêu hơn 20 năm tuổi vượt nhiều thăng trầm của “bão bệnh” và thời tiết thất thường.

Gắn bó hơn 20 năm, ông Đô hiểu cây tiêu như hiểu những đứa con của mình. Để vườn tiêu đẹp và năng suất tốt, điều quan trọng nhất là phải hiểu đặc tính của cây tiêu mới có cách chăm sóc đúng. Điều này giúp nông dân không mất nhiều chi phí đầu tư chăm sóc mà hiệu quả lại cao.

“Sợ ngập nhưng thiếu nước thì cây tiêu cũng chết. Bằng mọi giá phải giữ được màu xanh của nó, vì tiêu chết người nông dân cũng lao đao. Dù diện tích tiêu chỉ 1 ha nhưng gia đình tôi phải khoan 6 giếng, mỗi cái 100 triệu đồng, để có nước tưới vườn tiêu vào mùa khô. Đợt nắng nóng vừa qua, vườn tiêu của gia đình tôi vẫn được cấp nước đầy đủ” - ông Đô chia sẻ.

Sau trận “đại hồng thủy” năm 1999, diện tích cây tiêu trên địa bàn thị xã Bình Long thu hẹp rất nhiều do bị bệnh và chết. Rồi qua nhiều đợt mưa ngập khác, hay nắng hạn thiếu nước trầm trọng nhưng vườn tiêu của hộ ông Đô vẫn sống sót kỳ diệu.

Hiểu rõ đặc tính, chọn giải pháp lấy ngắn nuôi dài, đồng thời khắc chế được bệnh chết do ngập úng, gia đình ông Đô đã giữ được màu xanh cho cây tiêu. Vụ 2020, mặt bằng chung mất mùa, mất giá nhưng vườn tiêu 1 ha của ông Đô vẫn thu được 6 tạ, bán được khoảng 30 triệu đồng. So với những hộ trồng tiêu trong vùng và giá năm nay cũng như so với các loại cây trồng chủ lực khác trên địa bàn như cao su, điều... thì cây tiêu vẫn không phụ công chăm sóc của ông Đô. Đó là thành quả khi ông đã dành hết tâm sức cho nó.

Phó chủ tịch Hội Nông dân thị xã Bình Long Đào Cửu Long cho biết: Chọn phương pháp chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, gia đình ông Đô là một trong những hộ giữ được diện tích vườn tiêu. Dù hiện nay nhiều hộ dân gặp khó khăn do tiêu chết, rớt giá, ông Đô vẫn gắn bó với cây tiêu thật đáng khâm phục.

Cây tiêu ưa nước nhưng bị ngập khoảng 30 phút, dù sau đó có thoát nước thì cây cũng bị bệnh, nấm, thối rễ và chết. Đó là lý do dù vườn tiêu có hệ thống thoát nước nhưng mỗi lần mưa to tôi đều dầm mưa để tháo nước cho các trụ tiêu khi nước không thoát kịp. Đặc biệt là những trận mưa của năm 1999, do ảnh hưởng của trận “đại hồng thủy”, sau đó tôi nghĩ ra cách chống ngập úng cho cây tiêu bằng cách trồng gừng ở 4 góc mỗi trụ tiêu. Mùa nắng gừng giữ độ mát cho đất, chống mất nước. Mùa mưa thu hoạch gừng, những bụi gừng đào lên khiến đất tơi xốp và cũng là đường thoát nước chống ngập cho trụ tiêu, đồng thời tăng thu nhập cho gia đình. - Ông NGUYỄN VĂN ĐÔ, phường An Lộc, thị xã Bình Long

“VUA TRỒNG TIÊU” GIẢI BÀI TOÁN KHÓ

Có một công thức dù không được đưa ra chính danh khoa học nhưng nhà nông nào cũng thuộc nằm lòng. Đó là đất đã có tiêu bị bệnh chết, chết nhanh hay chết chậm đều không thể trồng tiêu lại được. Đây là một bài toán cực khó với không chỉ nông dân trồng tiêu, mà còn với cả ngành nông nghiệp cũng như các nhà khoa học. Thế nhưng công thức và bài toán khó ấy đã được vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng tìm ra lời giải. Và thật xứng đáng cho người tìm ra đáp án, vợ chồng chị Thơm từ lời giải ấy đã dần lên ngôi “Vua trồng tiêu”.

Trồng tiêu từ những năm 1990, gia đình chị Thơm nhiều lần chứng kiến cây tiêu chết không rõ lý do. Với quyết tâm lựa chọn tiêu làm cây chủ lực cho kinh tế gia đình, mỗi lần thất bại khi trồng lại trên chính diện tích tiêu đã chết trước đó, vợ chồng chị rút ra bài học. Và chỉ sau vài năm, vợ chồng chị tìm ra từ khóa cho đáp án: Các loại cây họ đậu.

“Rút kinh nghiệm nhiều lần, tôi không trồng lại ngay ở những nơi tiêu chết mà giãn cách ít nhất 1 năm. Khi đó, tôi xử lý đất bằng cách đánh tơi cho đất thoáng, để một thời gian rồi trồng khoảng 2 lứa đậu. Đất trồng đậu tơi xốp, thoáng như được giải độc. Mùa sau trồng lại tiêu trên diện tích này không bị chết nữa. Chúng tôi không có kiến thức khoa học nhưng rút kinh nghiệm từ thực tế và thử áp dụng thì thấy hiệu quả. Nhờ đó, gần 30 năm trồng, những diện tích tiêu chết của hộ tôi đều được phủ kín trở lại sau 1-2 năm. Tìm được giải pháp này, gia đình tôi không nghĩ đến phương án thay thế cây trồng mới nào nữa” - chị Thơm kể.

“Vụ năm 2020 mất mùa nhưng gia đình tôi vẫn thu được khoảng 15 tấn tiêu. Dù có rớt giá nhưng giữ vườn tiêu luôn xanh tốt là quan điểm “bất di bất dịch” đối với gia đình tôi.” - “Vua trồng tiêu” NGUYỄN THỊ THƠM ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng

Nhờ phương pháp này, gia đình chị Thơm đã duy trì và tăng diện tích vườn tiêu qua từng năm. Đặc biệt, sau nhiều lần trao đổi, mua - bán với những chủ vườn xung quanh, vườn tiêu ở thôn 4, xã Long Bình của gia đình chị Thơm dần liền khoảnh tới 25 ha nhiều năm qua. Khác với cao su, điều, cà phê... dễ dàng trồng diện tích lớn. Nhưng với hồ tiêu, mỗi gia đình trồng 1 ha tiêu đã là nhiều, hiếm có gia đình trồng tới 5 ha. Không chỉ có vườn tiêu bạt ngàn ở Long Bình, vợ chồng chị Thơm còn trồng thêm 9 ha ở tỉnh Đắk Nông nhiều năm nay. Không quá khi nói rằng, gia đình chị Thơm đã tạo nên một kỳ tích hiếm có với cây hồ tiêu.

Vườn tiêu nhà chị Thơm là một dải màu xanh mướt kéo dài làm dịu đi cái nắng nóng cuối mùa khô. Những nông dân như chị Thơm, ông Đô, dù diện tích nhiều hay ít nhưng tâm sức họ dành cho cây tiêu đều trọn vẹn. Thành quả là họ đã giữ cho vườn tiêu xanh tốt trong mọi mùa vụ, vượt qua sự tấn công sâu bệnh, biến đổi thất thường của thời tiết. Họ không phụ cây tiêu lúc nó rơi vào “nốt trầm” trong bối cảnh thị trường khó khăn, “bão bệnh”. Cây tiêu cũng không phụ họ, bù đắp cho họ sự no ấm, cuộc sống của tỷ phú. Bởi những năm được mùa, được giá, cây tiêu mang lại cho họ một nền tảng vững vàng, đủ để họ vượt qua thời điểm khó khăn. Bài học này hẳn không dễ học nhưng không thể không học với tất cả nông dân luôn chật vật với “trồng cây gì, nuôi con gì” và với cả ngành nông nghiệp hiện nay.

https://baobinhphuoc.com.vn/Content/ky-tich-vuot-qua-tam-bao-ho-tieu-23499



Báo cáo phân tích thị trường