Hồ tiêu Ấn Độ tuy giá giảm có nhẹ nhưng vẫn ở mức khoảng 2.650 - 2.700 USD/tấn, hồ tiêu tại Indonexia được chào bán với giá 2.350 USD/tấn.
Theo giới phân tích, mặc dù trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được lượng lớn hồ tiêu, nhưng lượng tiêu tồn trong dân từ vụ trước khá nhiều. Thêm vào đó, niên vụ hồ tiêu 2009 của nước ta cũng đã kết thúc với năng suất khá cao. Tổng sản lượng toàn ngành ước đạt khoảng 95.000 tấn, tăng 4.000 tấn so với năm 2008. Do vậy, theo dự đoán của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, giá thu mua tiêu tại thị trường nội địa trong thời gian tới sẽ chưa thể tăng mạnh. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu nên bán ra cầm chừng để có thể chủ động điều tiết giá xuất khẩu.
Niên vụ 2009 - 2010, tổng diện tích trồng hồ tiêu tại các tỉnh phía Nam là hơn 48.000ha, tập trung chủ yếu ở 6 tỉnh gồm Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk; tăng 411ha so với niên vụ 2008 - 2009.
Hiện cả nước có 13 nhà máy chế biến tiêu sạch, tiệt trùng, đạt tiêu chuẩn Mỹ (ASTA), công suất khoảng 60.000 tấn/năm. Sản phẩm hàng hoá xuất khẩu khá đa dạng tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột. Trong quí 1/2009, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 27.000 tấn, giá trị 258 triệu USD, tiêu trắng đạt 3.900 tấn, tiêu đen đạt 23.000 tấn. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, sự phát triển vượt bậc của cây hồ tiêu Việt Nam là một câu chuyện kỳ diệu rất đáng ngạc nhiên.