Thoát nghèo nhờ trồng tiêu
Năm 1986, được xem là mốc thời gian để cây hồ tiêu phát triển, mở đường cho sự lên ngôi của cây hồ tiêu Chư Sê sau này. Ông Hoàng Ngọc Bính, một trong những người đầu tiên đưa giống tiêu Lộc Ninh về trồng ở Chư Sê, nhớ lại: Ở xã Ia Blang khi ấy, bà con chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày để không đói. Nhân một lần có người bà con ở Lộc Ninh (Sông Bé cũ) lên thăm có khuyên tôi đem giống tiêu ở đây về trồng thử xem sao... Ðem ý tưởng này chia sẻ với những người hàng xóm, ông Bính không ngờ lại được họ ủng hộ và rồi ông cùng chín người đàn ông ở Ia Blang quyết đi một chuyến vào vùng đất chưa hề biết tý gì và mặc dù chỉ để thử vận may, nhưng đã phải đối mặt với những khó khăn có lúc tưởng chừng bỏ cuộc... "Nhà tôi lúc ấy có con bò là tài sản lớn nhưng đành phải mổ thịt và bán, các gia đình khác thì bán cả lương thực dự trữ để dồn tiền cho chuyến đi" - ông Bính tâm sự. Là người chung quyết tâm thoát nghèo như ông Bính, ông Trần Duy Thị kể: "Chưa kể chuyện xe cộ đi lại từ Chư Sê vào Lộc Ninh rất khó khăn, lòng vòng đến khi mua được tiêu rồi, chỉ riêng việc bảo quản, giữ dây tiêu giống không bị hỏng, bị dập nát cũng làm chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Cũng may, có người bà con quyết định phá vách nhà mình để giúp chúng tôi đóng thành thùng gỗ rồi cho dây tiêu giống vào. Chưa hết, trên đường đi, mỗi khi xe dừng chúng tôi lại thay nhau leo lên mui để tưới nước vì sợ trời nóng tiêu héo...
Ðó là chuyện của 20 năm trước, bây giờ về Chư Sê có lẽ chuyện làm giàu, chuyện ngày càng có nhiều "tỷ phú trồng tiêu" mới là chuyện đáng nói! Ðã có nhiều hộ làm giàu từ cây hồ tiêu với mức thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/ năm; cá biệt có hộ thu nhập cả tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Khoa, quê ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, lên xã Nhơn Hòa lập nghiệp từ năm 1976 với hai bàn tay trắng. Gom góp số vốn ít ỏi được 1,5 triệu đồng ông mua nhà và thuê hai sào đất trồng lúa. Năm 1987, gia đình chuyển sang trồng 70 trụ tiêu trong vườn, may sao vụ tiêu được giá, toàn bộ vốn ông quyết định đầu tư trồng thêm 2.000 trụ. Ðến nay, vườn tiêu với gần 5.000 trụ, mỗi năm cho nguồn thu hơn 800 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Chiến, ở tổ 2, thị trấn, quê ở Thừa Thiên-Huế vào Chư Sê những ngày đầu cơ cực, tích cóp được ít vốn cũng liền bắt tay vào trồng tiêu và cà-phê. Ðến năm 2004, gia đình lập trang trại rộng bốn ha, với 1.400 trụ tiêu, 3.000 cây cà-phê và nuôi 700 con lợn, chưa kể có cửa hàng ở trung tâm huyện. Năm 2005, mặc dù giá nông sản thấp, vẫn thu lãi 700 triệu đồng. Không chỉ có đồng bào Kinh biết làm ăn, bà con người dân tộc thiểu số cũng bắt kịp và vươn lên trở thành những tấm gương điển hình về vượt khó làm giàu để cộng đồng noi theo như: Gia đình Ra Lan Kót, làng Tao, xã Ia Phang có 2.000 trụ tiêu, mỗi năm thu năm tấn tiêu hạt, cộng với số tiền thu được từ 1,5 ha ruộng nước, ba ha ngô lai, mỗi năm thu 100 triệu đồng; Kpă Phái, làng Del, xã Ia Glai trồng 2.100 cây cà-phê, 500 trụ tiêu, gần 400 cây điều thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng; gia đình chị Nay H'Jui, xã Ia Hrú với 2.000 trụ tiêu, một ha cà-phê, một ha ngô lai, sắn đã cho thu nhập 100 triệu đồng/năm...
Khẳng định một thương hiệu
Ðồng chí Nguyễn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Sê, cho biết: Quá trình quảng bá, xây dựng thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê" hết sức vất vả, chưa kể thời gian đi lại gặp gỡ, thuyết phục những chuyên gia đầu ngành, chúng tôi còn tổ chức khá nhiều chuyến đi thực tế để chứng minh cho những ưu điểm của hồ tiêu Chư Sê. Ngày 20-4-2004, Bộ trưởng Thương mại ký Quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia 2004-2005, trong đó hồ tiêu Chư Sê là một đề án cần thực hiện. Tiếp đó, ngày 24-8-2004, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cùng UBND huyện Chư Sê và Công ty Ma-xe-cô (TP Hồ Chí Minh) đã ký thỏa thuận thực hiện chương trình "Xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Chư Sê". Trong quá trình đi thực tế ở Chư Sê, với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành thuộc Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, Trường đại học Nông - Lâm TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia giám định chất lượng của Công ty giám định cà-phê và hàng nông sản xuất khẩu, đã có những ghi nhận bước đầu: Ở Chư Sê diện tích vườn tiêu dưới năm tuổi chiếm số lượng khá lớn, năng suất bình quân đạt từ năm đến sáu tấn/ha (trong khi đó năng suất ở một số nước như In-đô-nê-xi-a, Xri Lan-ca, Ấn Ðộ... bình quân đạt 2,5 tấn/ ha). Về chất đất, độ màu mỡ, các nhà chuyên môn kết luận rất phù hợp để phát triển cây hồ tiêu Chư Sê thành vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, đến nay, sản phẩm hồ tiêu Chư Sê đã có mặt trên thị trường nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Văn Lành cho biết thêm: Cuối năm 2007, thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê" chính thức được công nhận đã mở ra triển vọng mới cho người sản xuất, đồng thời khẳng định thế mạnh và sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn ở Chư Sê. Nắm bắt được thị trường trên thế giới đang tiêu thụ mạnh các sản phẩm tiêu trắng, huyện mạnh dạn áp dụng công nghệ chế biến tiêu trắng từ tiêu quả tươi ngay sau khi thu hoạch và từ nguyên liệu tiêu đen, nhờ vậy bảo đảm chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Ngoài ra, các nhà chuyên môn cũng khẳng định, Chư Sê là địa phương đầu tiên của cả nước đã tìm ra được quy trình chế biến tiêu đỏ, giá trị xuất khẩu cao gấp từ ba đến bốn lần sản phẩm tiêu đen. Vấn đề hiện nay là làm sao liên kết được "bốn nhà" là Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông để đầu tư, chuyển giao công nghệ chế biến tiêu trắng, tiêu đỏ cho nông dân, vì việc chế biến không thể chế biến tập trung ở nhà máy lớn mà chủ yếu ở các hộ nông dân. Ðể giữ vững và không ngừng quảng bá thương hiệu "Hồ tiêu Chư Sê" huyện đang triển khai mô hình mẫu trồng tiêu đúng tiêu chuẩn, xây dựng các vườn ươm giống tiêu sạch bệnh, tiêu hữu cơ chú trọng đến các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cao ra các thị trường ngoài nước, đồng thời tuyên truyền cho người trồng tiêu nâng cao ý thức và trách nhiệm, niềm tự hào về sản phẩm mà mình làm ra.
Chỉ cách TP Plây Cu 38 km, Chư Sê có hệ thống giao thông khá thuận lợi, là nơi tiếp giáp giữa hai quốc lộ 14 và 25, do vậy trong tương lai gần sẽ trở thành trung tâm nối các vùng kinh tế thành phố, đô thị lớn ở cao nguyên như TP Plây Cu, Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc), Tuy Hòa (Phú Yên). Một Chư Sê phát triển trù phú đang ngày càng hiện hữu.