Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để hồ tiêu Chư Sê mãi xứng đáng với thương hiệu
02 | 10 | 2007
Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đã có thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá của các bộ, ngành chức năng và đơn đề nghị của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. ^Đây là tin vui cho người trồng tiêu ở Chư Sê với những nỗ lực trong nhiều năm để có một thương hiệu đúng nghĩa.

Huyện Chư Sê hiện có hơn 3.000 ha hồ tiêu với khoảng 8.000 hộ nông dân tham gia, trong đó có rất nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm sản lượng tiêu ở đây sản xuất ra được từ 13.000 đến 15.000 tấn, chiếm khoảng 17% so với cả nước. Từ năm 2004 đến nay, chất lượng hồ tiêu ở Chư Sê không ngừng được nâng cao và từng bước đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhiều biện pháp chăm sóc và sơ chế hạt tiêu sạch đã được ứng dụng thông qua sự hướng dẫn và giúp đỡ của các cơ quan chức năng Trung ương, trong đó có việc khảo nghiệm chọn ra bộ giống tốt, năng suất cao và kháng được sâu bệnh để đưa vào chương trình "trẻ hoá" vườn cây. Việc sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong khâu chăm sóc vườn tiêu trong các hộ nông dân đang dần được hạn chế, thay vào đó là dùng phân hữu cơ và trồng trên các choái trụ bê tông đảm bảo được môi trường và cây phát triển mạnh. Sản phẩm tiêu ở Chư Sê cũng đang dần được đa dạng hoá, tăng nhanh giá trị xuất khẩu. Từ hạt tiêu đen chủ yếu tiêu dùng nội địa thì nay đã sản xuất ra được tiêu trắng (tiêu sọ) để xuất khẩu, giá trị 1 tấn tiêu sọ tăng nhiều hơn 1,5 triệu đồng trong điều kiện dùng công kỹ thuật chế biến đơn giản. Mới đây sản phẩm tiêu đỏ cũng được "ra đời" tại đây theo quy trình chế biến mới và đã được Công ty Kiểm định Control đánh giá đạt các tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu của tiêu đỏ sau khi chế biến cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với hạt tiêu đen.

Theo ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch huyện Chư Sê, để hồ tiêu Chư Sê mãi xứng đáng với thương hiệu thì còn có nhiều việc phải làm. Trước mắt, huyện sẽ xúc tiến xây dựng vườn ươm giống tiêu sạch bệnh để nhân rộng mô hình trong nông dân, đồng thời tuyên truyền vận động bà con và nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật trong khâu chăm sóc và sơ chế sản phẩm. Phấn đấu trong năm 2007 này, huyện sẽ sản xuất từ 700 đến 1.000 tấn tiêu trắng và hàng trăm tấn tiêu đỏ cho xuất khẩu; định hướng lâu dài sẽ tăng len 7.500 tấn. Công tác quảng bá, bảo vệ và phát triển thương hiệu trong thời kỳ đầu hội nhập cũng đã được coi trọng, trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp ở địa phương./.



Nguồn: agroviet
Báo cáo phân tích thị trường