Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mở rộng đầu ra cho vải thiều, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị tăng cao
10 | 06 | 2020
Hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ 1.000 tấn vải Lục Ngạn - Bắc Giang, gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ năm 2019, lượng tiêu thụ tại gần 1.000 điểm bán của Saigon Co.op cũng tăng hơn 20% so với mùa vụ năm ngoái.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Cuối tuần qua, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, MM Mega Market, Vinmart… cùng đồng loạt phát động chương trình “kích cầu trái vải” với nhiều chương trình khuyến mãi thu hút người dân tiêu thụ.

Cụ thể như hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ 1.000 tấn vải Lục Ngạn - Bắc Giang, gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ năm 2019. 

 

Đây là năm đầu tiên Big C giới thiệu vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã nông nghiệp Hồng Xuân, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, có tem truy xuất nguồn gốc.

Mở rộng đầu ra cho vải thiều, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị tăng cao - Ảnh 1.
Mở rộng đầu ra cho vải thiều, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị tăng cao - Ảnh 2.
Mở rộng đầu ra cho vải thiều, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị tăng cao - Ảnh 3.

Sản phẩm vải thiều được bày bán số lượng lớn tại hệ thống siêu thị Big C. Ảnh: Như Huỳnh

Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết nhằm giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ trái vải, Tập đoàn sẽ tổ chức “Tuần lễ vải thiều Bắc Giang năm 2020” để giới thiệu trái vải tại Hà Nội và đưa vải thiều vào bán trong hệ thống 38 siêu thị Big C & Go trên cả nước, theo báo Bắc Giang.

“Central Retail cam kết mua 6 container vải thiều để bán tại hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong suốt giai đoạn bán vải thiều, siêu thị cũng dành vị trí đẹp nhất, bắt mắt nhất để giới thiệu những trái vải có thương hiệu với đầy đủ thông tin, chứng nhận VietGAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lí", bà Phạm Thị Thùy Linh khẳng định.

 

Ngoài ra Tập đoàn Central Retail tiếp tục xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Thái Lan để trưng bày lên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall thuộc chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan). 

Ước tính mùa vải năm nay, đơn vị tiêu thụ khoảng 500 tấn, tăng gấp rưỡi so với vụ vải năm ngoái.

Tương tự, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) đạt chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận trái cây an toàn cũng đã có mặt tại gần 1.000 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc, lượng tiêu thụ tăng hơn 20% so với mùa vụ năm ngoái.

Không những vậy, nhà bán lẻ này còn đưa vải thiều cùng một số mặt hàng nông sản Việt kinh doanh trên nền tảng trực tuyến là ví điện tử MOMO. 

Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng đặt mua mặt hàng này với giá ưu đãi trên ví điện tử MOMO, sau đó sẽ được siêu thị giao hàng tận nơi.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tiêu thụ sản phẩm là chế phẩm từ trái vải. Vải tươi đóng hộp có thể bảo quản và sử dụng trong khoảng thời gian dài, hiện đang được kinh doanh tại Co.opmart/Co.opXtra/Co.op Food ... với giá trung bình khoảng 40.000 đồng/hộp. 

Mở rộng đầu ra cho vải thiều, các hệ thống siêu thị tăng tiêu thụ vải thiều - Ảnh 4.

Vải thiều Bắc Giang đã có mặt tại các siêu thị Co.op mart với giá khuyến mãi. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, mùa vải năm nay toàn tỉnh Bắc Giang trồng hơn 28.000 ha, ước sản lượng đạt hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Bắc Giang đã xây dựng nhiều phương án nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

 

Cụ thể, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã sớm kết nối với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp như Aeon, Central Group, MM Mega Market, Lotte, Big C, Saigon Co.op, Vinmart… 

Đến nay, các đối tác đã kết nối, kí hợp đồng với các điểm cung ứng trên địa bàn tỉnh và những ngày này vải thiều sớm đang được tiêu thụ thuận tiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải do sản xuất quả vải thiều mang tính mùa vụ cao, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, trong khi tình hình dịch COIVD-19 trên thế giới còn phức tạp. 

Do đó, Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của quả vải thiều. Cùng với đó, Bộ quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu, hàng đầu là xuất sang thị trường Trung Quốc và đang mở rộng dần ra các thị trường khác trên thế giới.

Các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước được đặc biệt chú trọng để Bắc Giang có thể chủ động ứng phó với kịch bản thị trường xấu nhất. 

Cùng đó, Bộ đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức kết nối giao thương trực tuyến như kết nối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, quảng bá trực tuyến tới các đầu mối mua hàng tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo hệ thống phân phối căn cứ điều kiện, khả năng của doanh nghiệp chuẩn bị phương án dự trữ, vận chuyển, tiêu thụ quả vải với lượng lớn nhất tất cả hệ thống siêu thị của mình tại ba miền Bắc, Trung, Nam, kể cả phương án bán hàng lưu động.

Ngoài ra tổ chức các điểm bán hàng dã chiến tại các khu dân cư, trung tâm quận, huyện, xã, thị trấn, thị tứ nhằm gia tăng tối đa khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với quả vải có chất lượng cao của Bắc Giang và các địa phương khác.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo Sở Công Thương Bắc Giang tập trung làm đầu mối kết nối hệ thống phân phối trên địa bàn với các HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến quả vải; phối hợp các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ quả vải như ứng dụng giao dịch thương mại điện tử, lập địa điểm bán vải quả...", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.



Báo cáo phân tích thị trường