Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều phương án tiêu thụ vải thiều trong dịch COVID-19
18 | 05 | 2020
Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tăng cường tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ quả vải thiều tại các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản. Trong trường hợp không thể xuất khẩu, các hình thức chế biến sâu được tính đến nhằm giảm thiểu gánh nặng bảo quản quả vải.

Sắp diễn ra hội nghị xuất tiến thương mại vải thiều sang Trung Quốc vào tháng 6

Tại buổi họp báo thường kì của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 15/5, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết trước lo ngại quả vải thiều khó xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc do dịch COVID-19, Cục đã có phương án tổ chức kết nối giao thương bằng hình thức trực tuyến.

Nhiều phương án tiêu thụ vải thiều trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đức Quỳnh

Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ quả vải thiều, kết nối với 62 tỉnh thành trên cả nước và 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Đây là hai tỉnh tiêu thụ chính quả vải của Việt Nam tại Trung Quốc. 

Dự kiện này dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 - thời điểm thu hoạch quả vải thiều. Ngoài ra, sang tháng 7, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tổ chức một hội nghị tương tự để kết nối tiêu thụ quả nhãn.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định vụ thu hoạch vải thiều chỉ kéo dài 3 tuần thậm chí chỉ hơn 2 tuần. 

"Nếu làm không nhanh thì hỏng trong khi Trung Quốc đang cần. Hàng trăm thương nhân của Trung Quốc vào việt nam để chờ, chấp nhận để cách li để mua bằng được vải thiều về nước bán", Thứ trưởng cho biết. 

Thúc tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua đã có nhiều cuộc xúc tiến thương mại được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng nhận định nhờ dịch COVID-19 mà hình thức xúc tiến thương mại được thay đổi, áp dụng nhiều hơn công nghệ thông tin.

"Vừa qua Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với nhiều thị trường như Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ La Tinh. Đây là xu hướng bắt buộc mà Cục Xúc tiến Thương mại phải theo", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

Thứ trưởng cho hay không chỉ tại thị trường Trung Quốc, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có buổi tọa đàm trực tuyến để xúc tiến xuất khẩu vải sang Nhật Bản.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 14/5, Bộ giao Cục Bảo vệ thực vật đã họp trực tuyến với các đối tác liên quan của Nhật Bản để bàn hoàn thiện tất cả các thủ tục cho xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết với sự vào cuộc quyết liệt và thiện chí của phía Nhật Bản, chúng ta hi vọng sẽ có lô vải đầu tiên xuất được xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn nhất là vấn đề kiểm tra.

"Trong kiểm tra, kiểm soát phía Nhật Bản có thể ủy quyền cho phía Việt Nam cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, hi vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, tỉnh Bắc Giang sẽ sớm tổ chức lễ xuất khẩu quả vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải nói riêng và nông sản nói chung", Thứ trưởng cho hay.

Trong trường hợp không thể xuất khẩu quả vải sang các thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây là vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương và doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp sáng tạo để chế biến quả vải như sấy khô, đóng hộp...

Điều này cũng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng trong việc bảo quản, tiêu thụ vải thiều. 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019.

Trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 hai, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng.

Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.

 



Vietnambiz.vn
Báo cáo phân tích thị trường