Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ phục hồi từ tháng 5
06 | 05 | 2020
Năm nay, do thời tiết thuận lợi hơn vụ vải năm ngoái nên sản lượng vải thiều của Trung Quốc dự báo sẽ trở lại bình thường, nguồn cung do đó sẽ tăng lên. Tại Việt Nam, hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ phục hồi từ tháng 5 do cơ chế làm việc tại cửa khẩu đã được điều chỉnh thuận lợi.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu rau quả tính đến ngày 15/4 đạt 1,1 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng kì năm 2019. Ước tính, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 4 năm 2020 đạt 367 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,26 tỉ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng vị trí thứ nhất của rau quả của Việt Nam nhưng có giảm giá trị trong 3 tháng đầu năm 2020 với 59,1% thị phần và giá trị đạt 680 triệu USD, giảm đến 22,7% so với cùng kì năm 2019.

Nếu xét theo các mặt hàng chính, nguyên nhân giảm kim ngạch xuất khẩu là do một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm tính đến hết tháng 3/2020 như: dưa hấu đạt 24,8 triệu USD, giảm 32,4%; nhãn đạt 16,7 triệu USD, giảm 81%; sầu riêng đạt 14,1 triệu USD, giảm 74,8%; nấm hương đạt 3,3 triệu USD, giảm 84,6%;…

Dự báo về tình hình xuất khẩu thời gian tới, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho hay mùa thu hoạch vải Trung Quốc (theo thứ tự là đảo Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây...) thường bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8.

Trong đó chính vụ với 70% lượng vải tươi được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với vải thiều Việt Nam. Năm nay, do thời tiết thuận lợi hơn vụ vải năm ngoái nên sản lượng dự báo sẽ trở lại bình thường, nguồn cung do đó dự báo sẽ tăng lên.

Theo số liệu của Hiệp hội vải thiều Quảng Đông, 99% lượng vải tươi của Trung Quốc được bán tại nội địa và chỉ khoảng 1% vải tươi được xuất khẩu, trong đó, 65% được xuất khẩu từ Quảng Đông, 30% lượng này từ Hải Nam.

Trước đó, nửa đầu tháng 4/2020, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đối với các lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa và điều chỉnh thời gian thông quan đối với hoạt động trao đổi cư dân biên giới (làm việc 5 tiếng/ngày và nghỉ ngày lễ, cuối tuần) dẫn đến việc nhiều xe hàng bị ách tắc tại cửa khẩu, trong đó chủ yếu là trái cây và nông sản.

Bằng nhiều nỗ lực của các cấp bộ ngành và các địa phương biên giới, phía Trung Quốc thông báo sẽ chỉ đạo lực lượng hải quan và chính quyền địa phương có biện pháp giảm áp lực thông quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – Pò Chài (Quảng Tây).

Cụ thể, thời gian làm thủ tục thông quan sẽ khôi phục lại như trước đó, buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 12 giờ đến 16 giờ (giờ Việt Nam), hoạt động thông quan tại khu vực trên vào ngày nghỉ cuối tuần cũng được nối lại.

Bên cạnh đó, các mặt hàng quả tươi có nguồn gốc Thái Lan có thể xuất khẩu qua đường sắt để giảm tải ách tắc tại cửa khẩu Hữu Nghị. 

Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trong thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc, UBND các tỉnh cần hướng dẫn doanh nghiệp và người dân thực hiện nghiêm túc Công văn số 2487/BNN-CBTTNS ngày 9/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tình hình xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung và các khuyến cáo cập nhật định kì của tỉnh Lạng Sơn về việc đưa hàng nông sản lên biên giới.

Ngoài ra theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản sang tháng 5, việc xuất khẩu dự kiến được phục hồi do cơ chế làm việc tại cửa khẩu đã được điều chỉnh, thuận lợi cho xuất khẩu.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường