Stephen Antig, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu chuối Philippine, cho biết xuất khẩu chuối của nước này dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 2,5 triệu tấn trong năm nay. Các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có Unifrutti Tropical Philippines Inc., đã tạm dừng một số hoạt động kinh doanh do dịch bệnh.
“Chuối là loại trái cây cần thu hoạch hàng ngày. Chúng tôi cũng phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, và khi hoạt động trở lại, chuối sẽ bị hỏng nhiều, buộc phải vứt bỏ”, Chủ tịch Unifrutti Philippines, ông Alberto Bacani cho biết.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Philippines là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 thế giới, sau Ecuador. Quốc gia Châu Á này chiếm khoảng 20% tổng lượng chuối xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó khoảng 90% xuất khẩu sang Châu Á, trong đó 2 thị trường chủ chốt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Hòn đảo chính của nước này – đảo Luzon – đã bị cách ly từ giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh, và thời gian cách ly sẽ kéo dài đến cuối tháng 4. Các tỉnh miền Nam nước này - nơi có nhiều nông trường chuối – cũng đang phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch. Do đó, dự báo xuất khẩu trái cây từ Philippines sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng, kể cả sau khi chính sách hạn chế đi lại được dỡ bỏ, vì khi đó sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách giãn cách xã hội – làm hạn chế số lượng công nhân ở các nông trường chuối.
Sự bùng phát dịch bệnh đã dẫn tới việc các chính phủ trên toàn cầu phải tăng cường các biện pháp kiểm dịch trong khâu sản xuất và vận chuyển thực phẩm, thậm chí một số thị trường hạn chế nhập khẩu. Kết quả là ở nhiều nơi, sau khi người dân hoảng loạn tích trữ hàng thì các kệ hàng đã trốn trơn, mặc dù nguồn cung nhìn chung vẫn dồi dào.
Thị trường Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng bởi phụ thuộc khá nhiều vào chuối nhập khẩu từ Philippines. Ông Bacani cho biết, trong 2 tuần tới, nguồn cung chuối ở Nhật Bản dự báo sẽ giảm mạnh, và có thể các nước xuất khẩu khác như Ecuador sẽ tăng cường xuất khẩu chuối sang thị trường này.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, William Dar, đã kêu gọi chính quyền các địa phương, đặc biệt là tỉnh Bukidnon, nơi có nhiều nông trường chuối và nhiều nhà máy nhà chế biến, cho phép nông dân, công nhân của các doanh nghiệp này đi làm để tránh tình trạng thiếu lương thực và ùn ứ hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, thị trường Nhật Bản vẫn chưa thiếu hàng. Phá ngôn viên của Hiệp hội Nhập khẩu chuối Nhật Bản, Yuko Yamada, cho biết, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Philippines nhưng cô chưa thấy thiếu chuối ở Nhật, và cũng chưa thấy mặt hàng chuối tăng giá, hoặc bất cứ thông báo nào ở Nhật rằng nguồn cung chuối từ Philippines sẽ giảm.
Tương tự, một lãnh đạo của Hiệp hội Marketing trái cây Trung Quốc, ông Meng Wei, cho biết, Hiệp hội chưa thấy có thông báo nào về sự thay đổi khối lượng hay giá cả đối với chuối nhập khẩu từ Philippines, đồng thời thêm rằng sản lượng chuối trong nước (ở Trung Quốc) và nhập khẩu từ Myanmar đã tăng lên.
Nguồn: VITIC/Bloomberg