Tuy nhiên, nông sản vẫn còn “cửa sáng” với các mặt hàng lương thực thực phẩm đóng vai trò thiết yếu. Đặc biệt, cơ hội sẽ nhân lên khi các DN XK linh hoạt, chủ động chớp lấy thời cơ.
Tăng trưởng bất chấp dịch
Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 15,2 tỷ USD, xuất siêu gần 2,9 tỷ USD (tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể, về XK, trong quý đầu tiên của năm 2020 giá trị thu về là 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các mặt hàng XK đều giảm giá trị XK. Tuy nhiên, một số mặt hàng như gạo, rau, sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre,... lại theo chiều ngược lại, trong đó ấn tượng nhất là mặt hàng gạo. XK gạo đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm trước; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,62 tỷ USD (tăng 15,9%)...
Từ góc độ DN, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh (TPHCM) cho hay, hoạt động trong lĩnh vực XK nông sản như cà phê, hạt tiêu, quế, hồi… gần 20 năm, đại dịch Covid-19 không làm DN nao núng mà ngược lại khiến tăng trưởng XK tăng thêm. Trong quý I, công nhân vẫn phải làm 1-2 ca để đảm bảo sản lượng XK.
Để có được kết quả khả quan giữa tình hình khó khăn chung, lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng là DN đã đẩy mạnh đa dạng hóa nhiều thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ, Trung Đông; tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ... Điều đó giúp cho giữa đại dịch mà Phúc Sinh không lo lắng về chuyện bị hủy đơn hàng như nhiều đơn vị khác, và vấn đề thanh toán cũng được hỗ trợ rất nhiều. Ngoài ra, nhờ áp dụng công nghệ, xây dựng các hệ thống phần mềm quản lý từ rất sớm nên khi dịch xảy ra, DN hoàn toàn không bị động khi chuyển sang làm việc online.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đánh giá, ngành nông nghiệp may mắn là bởi sản phẩm nông nghiệp là hàng thiết yếu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều cần. “Đây chính là cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu có những biện pháp thông minh, sáng tạo, có ý chí, bản lĩnh thì không những duy trì được sản xuất mà còn vươn lên vị trí mới”, ông Bình nhấn mạnh.
Lúa gạo, rau quả… “lên ngôi”
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, rau quả tươi… thế giới vẫn cần, thậm chí chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn cả thời gian trước dịch. Nếu Việt Nam chế biến được các mặt hàng như rau quả, thủy sản… thành sản phẩm đông lạnh, đóng hộp thì sẽ càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế giới sau mùa dịch bệnh. “Đặc biệt, với mặt hàng cá tra, cá basa…, Việt Nam có khá nhiều lợi thế. Nếu thời gian tới, Việt Nam được Liên minh châu Âu (EC) gỡ 'thẻ vàng' với hải sản XK sẽ là yếu tố tốt giúp thúc đẩy XK…”, ông Thắng nói.
Có quan điểm khá tương đồng với chuyên gia Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương chia sẻ, nông nghiệp Việt thời gian tới còn cơ hội thúc đẩy XK một số mặt hàng thiết yếu như gạo, tôm cá, rau quả… Đáng chú ý, khi Trung Quốc ngày càng kiểm soát dịch bệnh tốt hơn thì thúc đẩy XK sang Trung Quốc là điều khá cần thiết. Tuy nhiên, nông, lâm, thủy sản XK sang Trung Quốc cần phải thúc đẩy đi theo đường chính ngạch. Đây là điều được nhắc đi nhắc lại nhiều năm, bối cảnh dịch bệnh như hiện tại lại càng trở thành sức ép để triển khai vấn đề này.
Hiện nay, điều mà không ít DN nông sản quan tâm không phải là bị hủy đơn, giãn đơn hàng hay thiếu nguồn nguyên liệu mà là thiếu vốn. Nói như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods thì, đơn hàng có, nguyên liệu có, giá nguyên liệu đang rẻ nhưng khi đặt vấn đề nhiều DN lại đối mặt với câu chuyện chung là khó tiếp cận vốn ngân hàng. “Trong bối cảnh này, gần như các DN đều thiếu vốn. Con số mấy trăm nghìn tỷ đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ rất khó để xuống được các công ty như chúng tôi. Các ngân hàng đều ở tâm lý lo sợ, không dám cho vay vì lo ngại khi hết dịch rồi, nếu DN không trả được nợ, họ sẽ phải gánh trách nhiệm”, ông Hùng thẳng thắn chia sẻ.
Những lãnh đạo DN như ông Hùng hay như ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đều nhận định, cơ hội đã đến cho những người làm nông nghiệp. Tuy nhiên, DN kiến nghị Chính phủ ra chính sách nhanh nhất để hỗ trợ DN nông nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, bắt kịp những cơ hội.
Từ góc độ ngành nông nghiệp, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, ngay trong tháng 4, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện các phương án, kịch bản XK nông sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc hết dịch; tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, DN XK) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hoa Kỳ, Brazil… và XK thủy sản sang thị trường Ả rập xê út. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng theo dõi sát tình hình XK nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; làm việc với phía bạn để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh; thúc đẩy tái cơ cấu thị trường XNK theo hướng bền vững…
Quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, XK nông sản sang các thị trường chính có sự thay đổi về thị phần. Theo đó, Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch XK đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 23,2% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 19,4% và chiếm 21,4% thị phần...
Nguồn: Haiquanonline