Trong chuyến công tác Bắc Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Vụ vải năm nay chịu tác động bởi hai yếu tố, một là diễn biến thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến chất lượng, giảm giá trị vải; hai là dịch COVID-19 gây gián đoạn thị trường xuất khẩu.
Tỉnh Bắc Giang có sản lượng vải thiều chiếm hơn 50% tổng lượng vải của cả nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của địa phương hiện nay là khẩn trương lưu thông hàng hóa.
Đáng chú ý, vụ vải thiều năm nay của Bắc Giang sẽ có 30% diện tích vào vụ chín sớm. Đây sẽ là tiền đề để đảm bảo tiếp tục có vụ vải được mùa, được giá. Dự báo, sản lượng vải/ha năm nay sẽ tăng cao hơn so với năm 2019.
Ở thời điểm hiện tại, các vùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) với diện tích 5 ha, 8 hộ tham gia, vải sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, không bị sâu bệnh...
Anh Ngô Văn Cường, người dân trong thôn, cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu. Với tỷ lệ đậu quả như hiện nay, dự kiến thu được 30 tấn quả. Vải dự kiến chín vào trung tuần tháng 5. Tham gia mô hình xuất khẩu, gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác để sản phẩm đạt tiêu chuẩn...”.
Từ bài học kinh nghiệm của các năm trước, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với thị trường truyền thống, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, tập đoàn, nhà phân phối tới ký kết hợp đồng sớm với các hợp tác xã, các doanh nghiệp và các tổ hợp tác, trang trại thu mua, tiêu thụ vải.
Để chuẩn bị các công đoạn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.
Tỉnh đã hợp tác với 3 công ty Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu trong nước để liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến lô hàng xuất khẩu đầu tiên sẽ được thực hiện vào cuối tháng 5/2020.
Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh cũng đã chuẩn bị những kịch bản cụ thể cho các tình huống khó khăn về xuất khẩu như: Duy trì 149 mã số vùng trồng vải tại 4 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn) với diện tích gần 15.900 ha, sản lượng ước đạt 94.400 tấn (chiếm gần 60% tổng lượng sản lượng vải).
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các kịch bản tiêu thụ vải: Kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả các thị trường; kịch bản thứ hai là xuất khẩu có khó khăn, nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; kịch bản thứ ba trong bối cảnh khó khăn nhất là không xuất khẩu được, khi đó thì tập trung lớn nhất sẽ là tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Bắc Giang hiện có 288 cơ sở được Trung Quốc cấp mã đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường này. Ở thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc lại đang tập trung các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, nguy cơ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, ngành Nông nghiệp địa phương đã chủ động bảo đảm tất cả sản lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch; đồng thời, duy trì 18 mã số vùng trồng với sản lượng trên 1.500 tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, EU…
Trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường trong nước được cho là thị trường bền vững nhất và cần được tranh thủ tối đa. Với thị trường trong nước, ông Dương Văn Thái đề nghị Bộ NN&PTNT kết nối để hệ thống của các tập đoàn bán lẻ lớn nội địa cùng tham gia tiêu thụ vải thiều của địa phương.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Vải chứng nhận GlobalGAP có 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Theo Báo Tin tức/TTXVN