Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Đắk Mil tập trung khôi phục sản xuất sau hạn hán
10 | 07 | 2020

(baodaknong)_Sau đợt hạn hán kéo dài, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã bị thiệt hại nặng nề, khiến cho người dân mất nguồn thu nhập chính. Thời điểm này, bà con nông dân đang tập trung khắc phục khó khăn để khôi phục diện tích cây trồng, sớm ổn định sản xuất...

Trong đợt hạn hán vừa qua, rẫy cà phê 1,2 ha thu hoạch năm thứ 5 của gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, ở khu vực Bò Vàng, xã Đắk Lao (Đắk Mil) bị chết cành hoàn toàn, thiệt hại 100%. Khi cà phê không còn cứu vãn được, gia đình anh Hồng đã cắt hạ cây và nuôi phần gốc để lấy chồi, chờ khi mưa xuống sẽ tiến hành ghép cải tạo.

Anh Hồng chia sẻ: "Chi phí đầu tư sản xuất rất lớn, nhưng hiện nay vườn cà phê đã mất trắng, không thể phục hồi, nên tôi quyết định ghép cải tạo để phục hồi. Dự trù chi phí phục hồi khoảng 50 triệu đồng/ha".

Diện tích cà phê 1,2 ha của ông Hồng đã được cắt bỏ và trừ phần gốc để nuôi chồi ghép cải tạo

Cũng theo anh Hồng, ngoài khôi phục vườn cà phê, gia đình anh đang tính toán để trồng thêm các loại cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống và có thêm chi phí để tái đầu tư sản xuất. Dù cuộc sống của gia đình anh đến nay rất khó khăn, nhưng việc phục hồi sản xuất là điều bắt buộc. "Việc phục hồi vườn cà phê phải mất từ 2-3 năm mới có thu nhập trở lại. Chắc chắn khoảng thời gian này sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", anh Hồng cho biết.

Tương tự, sau khi rẫy cà phê hơn 500 cây đang thu hoạch bị ảnh hưởng và thiệt hại do hạn hán gây ra, ông Nguyễn Văn Huệ, cũng ở xã Đắk Lao, đã quyết định phá bỏ và trồng lại. Hiện nay, rẫy cà phê của ông Huệ đã xuống giống được hơn 1 tuần. Gia đình ông chọn loại cà phê dây chống hạn tốt nhất hiện nay để trồng.

Ông Huệ chia sẻ: "Chi phí cây giống cà phê dây từ 10 - 14.000 đồng/cây. Để có thể tái canh vườn cà phê, tôi phải bỏ chi phí khoảng 20 triệu đồng. Gia đình tôi sẽ rất khó khăn vì nguồn thu nhập chính giờ đây đã không còn".

Cà phê tái canh của gia đình ông Huệ

Còn rẫy cà phê 2 ha của ông Nguyễn Hồng Sơn, ở thôn 5, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cũng bị thiệt hại bởi hạn hán. Thế nhưng, ông Sơn đã không cắt bỏ vườn cà phê mà tiếp tục để vậy chăm sóc, phục hồi lại. Ông Sơn cho biết, mưa xuống, cây cà phê sẽ tháo đọt. Khi đó ông sẽ cắt bỏ cành khô để nuôi chồi mới, phục hồi lại vườn cây. Gia đình ông cũng đang tính trồng xen cây ngắn ngày để có nguồn thu nhập trong thời gian chờ phục hồi vườn cà phê.

 

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, toàn huyện có khoảng 4.000 ha cây trồng (chủ yếu là cà phê) chịu ảnh hưởng bởi hạn hán. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn người dân các phương án để kịp thời khôi phục sản xuất, tạo nguồn thu nhập trên diện tích cây trồng bị thiệt hại. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân vừa tái canh khôi phục sản xuất, vừa xen canh cây ngắn ngày. Việc xen canh, người dân cần ưu tiên những loại cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như khoai môn, khoai lang, các loại đậu, ngô...

 

Ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, thời gian qua, trên địa bàn liên tục có mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư, chăm sóc cây trồng bị thiệt hại bởi hạn hán. Đối với diện tích cây trồng thiệt hại 100%, người dân đang tiến hành cắt bỏ, nuôi chồi mới hoặc phá bỏ để tái canh. Địa phương cũng hướng dẫn người dân khi tái canh thì chọn giống cà phê dây với đặc tính chống chịu hạn tốt. Đổi với diện tích quá khó khăn về nước tưới, địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi sang cây ăn quả. Bên cạnh việc khôi phục diện tích cây trồng bị thiệt hại, UBND xã Đắk Lao cũng hướng dẫn người dân xen canh các loại cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập. "Bà con đang "lấy ngắn nuôi dài", từng bước khôi phục và ổn định sản xuất sau hạn hán", ông Long cho biết.

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil cho biết: "Đợt hạn hán đã khiến nhiều hộ sản xuất chịu thiệt hại nặng nề. Vì thế, việc khôi phục sản xuất, tạo nguồn thu nhập trên diện tích thiệt hại là vấn đề cấp bách hiện nay. Việc khôi phục sản xuất nhanh hay chậm cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo nguồn thu nhập để tái đầu tư sản xuất".

 



Báo cáo phân tích thị trường