Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hết ham bóng đá, Bầu Thắng rủ Bầu Đức đi bán cà phê
06 | 07 | 2020

(Vietnamnet.vn)_Bất chấp ảnh hưởng của dịch nhiều chuỗi cà phê đóng cửa, nhưng các đại gia Việt vẫn tham vọng xây dựng những thương hiệu Việt so găng với quốc tế.

Những đối thủ lớn

Thời gian gần đây, thị trường kinh doanh cà phê đã trở nên nóng khi hàng loạt "tay to" chính thức gia nhập. Đầu tiên phải kể tới sự có mặt của ba ông bầu lớn ở chuỗi cà phê “ông Bầu” là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm Long An và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood.

Xuất hiện vào tháng 2/2020 ngay trước khởi phát dịch Covid-19, nhưng chỉ trong 4 tháng, hệ thống đã phát triển được 100 quán trên quy mô cả nước và đang có trong tay hơn 500 yêu cầu được nhượng quyền phát triển mạng lưới.

Hết ham bóng đá, Bầu Thắng rủ Bầu Đức đi bán cà phê
Đại gia Việt đua nhau làm chuỗi cà phê

Tham vọng trong thị trường nhiều tiềm năng này, Vinamilk đã bất ngờ bày tỏ tham vọng vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đồ uống với cái tên Hi-Café. "Năm nay và các năm kế tiếp, công ty dự kiến mở rộng chuỗi này tại nhiều địa phương khác nhau và trực tiếp vận hành", ban lãnh đạo Vinamilk lý giải trong tờ trình dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/06.

Tách khỏi Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang gây dựng King Coffee, với mục tiêu mở 1.000 quán cà phê khắp cả nước. Tháng 7/2018, King Coffee chính thức bước vào thị trường chuỗi quán, với quán King Coffee đầu tiên tại Gia Lai. Một tháng sau, thương hiệu này cho ra đời quán thứ hai tại TP. HCM.

Tháng 3/2020, Nestlé bất ngờ ra mắt quán cà phê kiểu take-away tên Nescafé Hub đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội. Và trong tháng 6 này, Nestlé đã mở thêm quán thứ 2 tại TP.HCM nằm ở đường Võ Văn Tần, quận 3.

Thị trường cà phê hiện đang có 5 chuỗi cà phê lớn nhất gồm Highlands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long và Trung Nguyên. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị phần vẫn còn rất lớn cho các thương hiệu khác.

Các chuỗi cà phê này đều tập trung ở phân khúc bình dân, cạnh tranh với các thương hiệu đang “tung hoành” phân khúc này gồm Milano (hiện sở hữu hơn 1.400 cửa hàng), Passion, Bike Coffe, Viva Star...

Đơn cử như Hi-Café đưa mức giá một ly cà phê dao động từ 23.000 đến 25.000 đồng, trong khi đó mocktail trái cây đắt hơn với 40.000 đồng/ly. Đây là mức giá khá cạnh tranh so với các quán cà phê khác.

Cà phê Ông Bầu sẽ nhắm đến các khách hàng thuộc phân khúc bình dân với giá bán bình quân 16.000-30.000 đồng/ly. Ngoài cà phê, quán còn bán các loại nước giải khát phục vụ nhu cầu đa dạng của giới trẻ.

Quan điểm kinh doanh sẽ không tranh giành những mặt tiền lớn, vị trí đất vàng để mở quán, thay vào đó chú trọng hơn về giá trị, chất lượng. Điểm mạnh đầu tiên của chuỗi này chính là sở hữu nhiều gương mặt tuyển thủ bóng đá, với lượng hâm mộ rất lớn chính là một lợi thế khách hàng trong kinh doanh.

Chuỗi quán King Coffee sẽ phát triển các mô hình khác nhau nhằm phục vụ cho mọi đối tưởng thưởng thức cà phê và khẳng định vị thế của thương hiệu này trên thị trường.

 

Cuộc đua đường dài

Việt Nam luôn là mảnh đất màu mỡ của các thương hiệu cà phê. Theo BMI Research, lượng tiêu thụ cà phê bình quân của người Việt Nam trong giai đoạn 2005-2015 đã tăng từ 0,43 kg/người/năm lên 1,38 kg/người/năm.

Con số này được dự báo sẽ tăng lên 2,6 kg/người/năm vào năm 2021 do ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa, cùng với chính sách kích cầu tiêu dùng cà phê nội địa của Chính phủ nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Hết ham bóng đá, Bầu Thắng rủ Bầu Đức đi bán cà phê
Nhiều chuỗi cà phê đóng cửa rời bỏ thị trường 

Một nghiên cứu khác hồi tháng 4/2019 của Euromonitor cho thấy, quy mô thị trường chuỗi cà phê và trà ở Việt Nam có giá trị 1 tỷ USD.

Tâm sự về cuộc chơi mới này, bầu Đức cho biết mình vốn không biết uống cà phê, mặc dù đây đang là loại thức uống không thể thiếu mỗi ngày của phần lớn người Việt.

Trả lời chất vấn của cổ đông sáng 26/6, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, không có tham vọng đi thuê mặt bằng đắt tiền để mở cửa hàng bán cà phê. Hi-Café chỉ là mặt hàng mới và sẽ được tiêu thụ trên 430 cửa hàng sữa mà Vinamilk đã phát triển. Đối với Vinamilk, sữa vẫn là mặt hàng chính, cà phê là phụ.

Nhìn lại thị trường trong thời gian quan, một trong những yếu tố có thể giết chết bất kỳ chuỗi cà phê nào là mặt bằng ở vị trí trung tâm. Đơn cử, giá thuê một mặt bằng trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) ở mức 10.000-15.000 USD/tháng.

Nhiều thương hiệu lớn đã không thể trụ lại ở những vị trí này và rời đi sau một thời gian mở cửa, chấp nhận khoản lỗ chi phí ban đầu. Bên cạnh đó, nhiều loại đồ uống mới như trà sữa, trà chanh đang nổi lên khiến người tiêu dùng trẻ giảm nghiện cà phê.

Áp lực chi phí, chủ yếu ở chuyện thuê mặt bằng cũng được cho là nguyên nhân khiến The Coffee Inn thất bại. Trước thời điểm đóng cửa hàng loạt, hầu hết cửa hàng của chuỗi này đều kinh doanh trong tình trạng không đủ bù chi phí.

Ngay những chuỗi cà phê đang có lãi hiện nay, chi phí để vận hành và duy trì kinh doanh cũng rất lớn. Năm 2018, Highlands Coffee ghi nhận hơn 1.628 tỷ đồng doanh thu, với biên lãi gộp lên tới 69%, lãi gộp trước chi phí của chuỗi này vào khoảng 1.123 tỷ.

Hàng loạt các chuỗi cà phê như New York Dessert Café - NYDC, Gloria Jean’s Coffee (Australia), The Kafe đã đón cửa là bài học lớn cho những tân binh.



Báo cáo phân tích thị trường