Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG THỊ TRƯỜNG EU THÁNG 7 NĂM 2020
28 | 10 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Trong bối cảnh dịch Covid 19 tác động nặng nề đến nền kinh tế các nước Châu Âu, kim ngạch xuất khẩu Nông lâm thủy sản ( NLTS)  của Việt Nam sang thị trường EU sau nhiều tháng giảm liên tiếp đã có tín hiệu khả quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2020 đạt 317 triệu USD, tăng 6,07% so với tháng 5/2020, giảm 2,07% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ. So với tháng 5/2020, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: cao su tăng 55%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 45%, rau quả tăng 25%, mây tre đan tăng 38%, đặc biệt chè tăng 72%, thịt và sản phẩm thịt tăng 61%. Trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, ngoại trừ xuất khẩu gạo giảm mạnh (44%), các mặt hàng khác giảm từ 5% đến 10% như cà phê, thủy sản, sản phẩm từ cao su. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, chè, mây tre đan, hạt điều lại tăng.

Theo ước tính của Ủy ban Châu Âu, dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn bộ 19 nước khu vực đồng tiền chung euro suy giảm 8,7% trong năm 2020, tăng trưởng 6,1% vào năm 2021, thấp hơn mức 7,7% so với dự báo đưa ra hồi tháng 5-2020. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức sẽ giảm 6,3% trong năm nay trước khi hồi phục trở lại với mức tăng trưởng 5,3% trong năm 2021. Ba quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 là Pháp, Ý và Tây Ban Nha sẽ giảm hơn 10% trong 2020. Tốc độ hồi phục sau dịch cũng có sự chênh lệch, kinh tế Tây Ban Nha và Pháp có thể khôi phục 7,1-7,6%, trong khi Ý sẽ chỉ tăng trưởng 6,1% vào năm sau. Báo cáo dựa trên kịch bản sẽ không bùng phát dịch lần thứ hai tại châu Âu và các chính sách tiền tệ, tài chính sẽ hỗ trợ khu vực này hồi phục. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều rủi ro như dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tỉ lệ thất nghiệp, triển vọng không đạt được thỏa thuận cho quan hệ EU và Anh…

Vào ngày 20 tháng 7 năm 2020, Hội đồng Nông nghiệp Liên minh Châu Âu đã thông qua Thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc về chỉ dẫn địa lý (GIs). Trong thông báo của mình, Hội đồng nhấn mạnh đây là một thỏa thuận thương mại song phương quan trọng đầu tiên được ký giữa EU và Trung Quốc. Thỏa thuận này sau khi được phê chuẩn, ban đầu sẽ bảo vệ 100 GIs mà Châu Âu đang tìm kiếm sự bảo vệ độc quyền tại thị trường Trung Quốc. Tương tự như vậy, một trăm sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc sẽ được bảo vệ tại thị trường châu Âu. Bốn năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, phạm vi của Thỏa thuận sẽ mở rộng để bao gồm 175 tên GIs bổ sung, từ cả Trung Quốc và EU. Theo một nghiên cứu gần đây được công bố bởi Ủy ban châu Âu, sản phẩm GIs chiếm15,5% tổng xuất khẩu thực phẩm nông nghiệp của EU. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Singapore là những điểm đến đầu tiên đối với các sản phẩm GIs của EU, chiếm một nửa giá trị xuất khẩu của các sản phẩm GIs.

Trong tháng 7/2020, EU cũng đã thông qua đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỉ euro (gần 1.200 tỉ USD) cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trị giá 750 tỉ euro (826 tỷ USD). 70% các khoản trợ cấp được lên kế hoạch cho các chương trình kích thích quốc gia sẽ được phân bổ vào năm 2021 – 2022, theo tiêu chí "khả năng phục hồi" (dân số, tỷ lệ thất nghiệp trong 5 năm qua); 30% còn lại sẽ được phân bổ vào năm 2023, có tính đến việc sụt giảm GDP trong giai đoạn 2020 – 2021, hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Phần còn lại của quỹ kích thích dành riêng cho các chương trình khác nhau do EU quản lý, chẳng hạn như nghiên cứu (5 tỷ Euro), phát triển nông thôn (7,5 tỷ) hoặc Quỹ chuyển đổi công bằng (10 tỷ) dành riêng cho việc hỗ trợ các khu vực chậm trễ nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. EVFTA hiện có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm). Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU thời gian tới. Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm;  xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả; các sản phẩm hồ tiêu chế biến sẽ được xóa bỏ hoàn toàn (giảm từ mức 4% như hiện nay); khoảng 212 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0 - 22%; trong đó phần lớn thuế cao từ 6 - 22% được về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm.  Hiệp định thương mại là cơ hội lớn để đưa các sản phẩm điều nhân chế biến sâu vào thị trường EU. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chế biến điều Việt bởi nguồn nguyên liệu cho chế biến điều nhân xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập từ các nước Châu Phi hoặc ASEAN khá nhiều.  Ngoài ra, các doanh nghiệp nhìn chung cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu EU, đồng thời phải tăng cường cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại tại thị trường nội địa.

EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ hai thế giới nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU. Hiện, nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Trong 10 năm qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU tăng trưởng đều nhưng không cao, đạt bình quân 6,7%/năm. Dự báo, xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, như gạo (tăng thêm 65%), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc, gia cầm (4%)…

Ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Thông tư số 11/2020/TT-BCT bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 08 Phụ lục ban hành kèm theo. Thông tư là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1 theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công Thương ủy quyền.

 

Tải bản tin chi tiết tại đây.

 

 



Báo cáo phân tích thị trường