Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin thị trường rau quả tháng 12/2020
05 | 01 | 2021

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12 năm 2020 ước đạt 265 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2020 đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 với 56,6% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1,69 tỷ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 152,5 triệu USD (chiếm 5,1%, tăng 10,7%); Thái Lan đạt 149,1 triệu USD (chiếm 5%, tăng 141,5%); Hàn Quốc đạt 133 triệu USD (chiếm 4,4%, tăng 11,1%); Nhật Bản đạt 118,2 triệu USD (chiếm 3,9%, tăng 5,1%); … Trong 11 tháng đầu năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả giảm mạnh nhất là thị trường Lào (giảm 34,8%). Giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019 do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng giảm, trong đó có thanh long - mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 35,6% tổng giá trị xuất khẩu), đạt 1,1 tỷ USD, giảm 9,8%; chuối đạt 159,7 triệu USD (chiếm 5,3%, giảm 13,1%); chanh đạt 131,4 triệu USD (chiếm 4,4%, giảm 0,7%); sầu riêng đạt 113,9 triệu USD (chiếm 3,8%, giảm 56%); vải đạt 37,5 triệu USD (chiếm 1,3%, giảm 21,7%), dưa hấu đạt 36,5 triệu USD (chiếm 1,2%, giảm 35,8%), …

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 12/2020 ước đạt 130 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu năm 2020 đạt 1,29 tỷ USD, giảm 27,5% so với năm 2019. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ôxtrâylia là các thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 11  tháng đầu năm 2020, với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là: 318,2 triệu USD (giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2019); 267,8 triệu USD (tăng 2,3%) và 101,6 triệu USD (giảm 1,2%).

Trong tháng 12/2020, thị trường nhiều loại trái cây biến động. Cụ thể, giá sầu riêng tại vùng chuyên canh tỉnh Tiền Giang tăng mạnh, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đạt kỷ lục từ trước đến nay. Thương lái mua sầu riêng với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng quả và địa bàn gần xa. Nguyên nhân là do thời điểm này vùng chuyên canh sầu riêng đang vào vụ nghịch nhưng đa phần vườn sầu riêng bị ảnh hưởng đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt trong mùa khô 2020 vừa qua nên chưa hồi phục và bị thất thu, gây thiếu nguồn cung sầu riêng trên thị trường.

Thời điểm tháng 12/2020 cũng là thời điểm thu hoạch cam các loại, giá cam giảm mạnh do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu không có sự đột biến. Tại một số tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang… giá cam Vinh tại chợ chỉ 5.000 đồng/kg.

Theo nhiều thương lái tại địa phương, giá thanh long trong gần một tháng qua biến động mạnh. Cụ thể, đầu tháng 11 giá thanh long ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg, đến giữa tháng 11 giá chỉ còn dưới 15.000 đồng/kg. Đến giữa tháng 12, giá thanh long tuột dốc thê thảm, khi chỉ bán được 5.000 - 7.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thanh long giảm mạnh là do nguồn cung trên thị trường đang dồi dào và nhu cầu thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long là Trung Quốc đang có xu hướng giảm do diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đang gia tăng mạnh.

Giá một số rau củ tại Lâm Đồng không có biến động nhiều so với tháng trước do nguồn cung tương đối ổn định. Tuy nhiên, ớt gần đây tại Lâm Đồng cũng như các tỉnh khác giá lại tăng cao khi nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế bởi một số tỉnh trồng loại quả này bị triều cường và mưa lớn.

Nhìn lại năm 2020, thị trường rau quả trong nước có nhiều biến động do bị tác động của điều kiện thời tiết như hạn hán, ngập mặn, lũ lụt… và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song ngành hàng rau quả vẫn được xem là một trong các ngành hàng nông sản xuất khẩu có nhiều triển vọng.

 



Báo cáo phân tích thị trường