Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT
Xuất khẩu cà phê tháng 12 năm 2020 ước đạt 85 nghìn tấn với giá trị đạt 170 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê cả năm 2020 đạt 1,51 triệu tấn và 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 7,2% về giá trị so với năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 12,8% (đạt 319,2 triệu USD), 9,3% (đạt triệu 230,6 USD) và 8,4% (đạt 208,2 triệu USD). Trong 11 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan (tăng 35,6%, đạt 36,5 triệu USD), Nhật Bản (tăng 15,4%, đạt 170,3 triệu USD) và Malaysia (tăng 15,2%, đạt 65,3 triệu USD). Ngược lại, giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 36,5%, đạt 46,4 triệu USD). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1.744,3 USD/tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tháng 12/2020, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.000 USD/tấn, tăng 3,9% so với tháng 11/2020 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giá cà phê xuất khẩu bình quân cả năm 2020 ước đạt 1.759 USD/tấn, tăng 1,8% so với năm 2019.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang có xu hướng chững lại, trong đó kim ngạch xuất khẩu cà phê có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân khiến giá trị thu về không tương xứng với sản lượng dồi dào là do sản phẩm cà phê chủ yếu xuất khẩu thô nên bị tác động mạnh từ giá cả thị trường thế giới. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm 2020, tình trạng khan hiếm container cũng như nhiều hãng tàu thông báo ngừng bán chỗ cũng khiến xuất khẩu trầm lắng mặc dù đây là thời điểm tiêu thụ hàng hóa cũng như cà phê lớn nhất trong năm.
Trong tháng 12/2020, giá cà phê thế giới trên các sàn phái sinh biến động trái chiều. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2021 thị trường London giảm 39 USD/tấn xuống còn 1.362 USD/tấn. Giá cà phê giảm khi phần lớn giới đầu cơ tiếp tục thể hiện sự thận trọng trước tin tức tiêu cực của kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra và trong bối cảnh chờ đợi được cung cấp vắc xin. Trong khi đó, tại New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tiếp tục tăng trưởng và tăng hơn 9% so với tháng trước, duy trì tại mốc 2.796 USD/tấn.
Nhìn lại cả năm 2020, giá cà phê trong nước biến động giảm trong 6 tháng đầu năm và có xu hướng tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm. So với thời điểm cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng nhẹ 500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lại giảm 100 – 200 đồng/kg so với tháng 11/2020, hiện giá thu mua đang ở mức 32.500 – 32.900 đồng/kg. Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Giá cà phê Rubusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh ổn định tại ngưỡng 34.500 đồng/kg. Vụ cà phê năm nay của Việt Nam bị mất mùa và thu hoạch trễ hơn so với các năm trước nên chưa tạo áp lực lên thị trường. Theo đó, vụ mùa năm nay, kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch đã được quan tâm nhiều hơn, tạo động lực đẩy giá cà phê đi lên.
Tồn kho cà phê khả dụng tại các kho cảng trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường xuất khẩu cà phê sẽ cải thiện trong năm 2021. Các thị trường nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam đều gặp thiệt hại lớn vì dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao và tăng cường nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà. Cùng với thông tin thử nghiệm vaccine, sẽ thúc đẩy lượng xuất khẩu tăng lên, dự báo xuất khẩu cà phê sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng đầu năm 2021.
Lưu ý:
Theo dự báo tháng 12/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng Robusta của Brazial đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, đã đạt khoảng 2/3 sản lượng của Việt Nam. Niên vụ 2020/2021, cà phê Việt Nam không được mùa do mưa lũ nghiêm trọng làm gián đoạn vụ thu hoạch. Dự báo Brazil sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp về xuất khẩu cà phê Robusta trong thời gian tới khi xu hướng tiêu thụ cà phê tại nhà, cà phê hòa tan tiếp tục gia tăng.