Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin thị trường thủy sản tháng 12/2020
05 | 01 | 2021

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT

Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), giá trung bình của cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 10/2020 tại Mỹ là 2,65 USD/kg, giảm 1,11% so với tháng 9/2020 và thấp hơn 13,11% so với cùng tháng năm 2019. Giá bình quân nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 10/2020 đạt 8,8 USD/kg, tăng 1,38% so với tháng 9/2020 và thấp hơn 0,45% so với cùng tháng năm 2019.

Năm 2020 được dự báo sẽ tương đối tích cực hơn đối với ngành thủy sản so với năm 2019, nhưng sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và các tác động liên quan đã làm đảo lộn tất cả các dự báo trước đó. Nguồn cung cá, tiêu thụ và doanh thu thương mại đều được dự kiến ​​sẽ giảm trong năm nay do tác động của các biện pháp ngăn chặn đại dịch đối với nhu cầu, hậu cần, giá cả, lao động và kế hoạch kinh doanh. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu hiện dự kiến ​​sẽ giảm lần đầu tiên sau nhiều năm, mức giảm khoảng 1,3%. Sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên trên toàn cầu cũng dự kiến ​​sẽ giảm nhẹ vào năm 2020, vì nhìn chung, nỗ lực đánh bắt giảm do các hạn chế liên quan đến Covid-19 đối với thuyền viên tàu cá và điều kiện thị trường kém. Các tác động đến thị trường của đại dịch đã mang lại một số thay đổi sâu rộng, nhiều thay đổi có khả năng tồn tại lâu dài. Giá tổng hợp cho năm 2020, được đo bằng Chỉ số giá thủy sản, giảm so với cùng kỳ năm trước đối với hầu hết các loài được giao dịch.

Tại thị trường trong nước, sau hơn một tháng tăng, giá cá tra trong nửa đầu tháng 12 đã giảm trở lại do những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tạm thời giảm thu mua cá tra nguyên liệu ngoài do đầu ra xuất khẩu đang chậm lại, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng dao động quanh mức 19.000-20.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con), giảm 2.500 đ/kg so với tháng trước. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc thời gian gần đây có gặp khó so với trước do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Thị trường tôm nguyên liệu tại vùng ĐBSCL vẫn vững giá khi nguồn cung hạn chế và các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nguyên liệu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cho dịp Noel và năm mới. Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20, 30 con/kg tăng 5.000 đ/kg so với tháng 11 lên tương ứng 220.000 đ/kg, 195.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giữ mức 150.000 đ/kg. Giá tôm thẻ cỡ 60, 70 con/kg giữ mức 115.000 đ/kg, 110.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg tăng 8.000 đ/kg lên 90.000 đ/kg.

Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, đại dịch COVID-19 đã tác động khá mạnh tới mặt hàng thủy sản của nước ta do dịch bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng tiêu dùng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35% đến 50%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy hải sản các loại của Việt Nam giảm liên tục trong hai quý đầu năm nay. Tuy nhiên, bước sang quý III, do xuất khẩu thủy sản bắt đầu hồi phục với mức tăng trong tháng 9/2020 đạt trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường cá tra và tôm xuất khẩu và trong nước có dấu hiệu hồi phục. Mặc dù vậy, vào tháng cuối của năm 2020 thị trường của 2 mặt hàng này đều giảm sau khi có sự kiểm soát nhập khẩu của thị trường Trung Quốc

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 12 năm 2020 ước đạt 700 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 đạt gần 8,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019.

Theo Tổng cục hải quan, xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt 742,18 triệu USD đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng 2020 đạt 7,68 tỷ USD giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, chiếm 59,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ 11 tháng 2020 đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019, Trung Quốc đạt 1,48 tỷ USD, tăng 3,4%; EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%.

Trong 11 tháng đầu năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Nga tăng 25,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Thái Lan giảm 16,3%.

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 12/2020 đạt 160 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu năm 2020 đạt gần 1,76 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,5%), Nauy (11%), Nhật Bản (9,2%). So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 từ Ấn Độ tăng 20,8%, Nhật Bản tăng 20%, trong khi nhập khẩu từ Nauy giảm 9,8%.

Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm gặp khó khăn lớn do Covid-19, nhưng nhờ phục hồi và tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm nên có thể năm nay kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 8,58 tỷ USD tương đương năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm dự kiến tăng 12,4%, đạt 3,78 tỷ USD.

 



Báo cáo phân tích thị trường