Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành thủy sản Ấn Độ ngấm đòn vì nhu cầu của Trung Quốc và lượng container giảm
25 | 01 | 2021
Nhu cầu thủy sản của thị trường Trung Quốc đi xuống, cùng với số lượng container sẵn có sụt giảm đáng kể đã giáng một đòn đau vào ngành thủy sản Ấn Độ.

Theo Kinh tế và tiêu dùng

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Ấn Độ xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn thủy sản, trị giá gần 6,7 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ về khối lượng.

Cụ thể, trong cùng giai đoạn, Trung Quốc nhập khẩu hơn 329.000 tấn thủy sản từ Ấn Độ với trị giá khoảng 1,3 tỷ USD - chiếm 22,5% về khối lượng và gần 20,6% về giá trị thủy sản xuất khẩu của đất nước Nam Á.

Hellenic Shipping News dẫn lời ông Jagdish Fofandi, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Quốc gia Ấn Độ (SEAI), cho biết nhu cầu thủy sản của Trung Quốc và số lượng container sẵn có giảm có thể khiến xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ sụt 20% trong năm tài khóa hiện tại.

Ngoài ra, thông tin trái chiều xoay quanh việc gia hạn Chương trình Xuất khẩu Hàng hóa từ Ấn Độ (MEIS) đến tháng 4/2021 cũng đang gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản.

"Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang bị tắc vì container bị kẹt tại cảng và doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc trì hoãn thanh toán. Xuất khẩu cá đánh bắt từ biển như cá đù và cá hố, vốn chỉ xuất sang Trung Quốc, bị ảnh hưởng nặng nề nhất", ông Fofandi cho hay.

"Các nhà chức trách Trung Quốc không xử lý các container và ngành thủy sản Ấn Độ đang rất bối rối trước nhiều luồng thông tin chính sách khác nhau", Chủ tịch SEAI chia sẻ thêm.

Ngành thủy sản Ấn Độ ngấm đòn vì nhu cầu của Trung Quốc và lượng container giảm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Vào tháng 11, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thủy sản đông lạnh từ Ấn Độ trong một tuần sau khi giới chức y tế phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì hàng mẫu.

Bên cạnh đó, ông Fofandi cho biết nhập khẩu vào Ấn Độ và số lượng container sẵn có giảm cũng gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Sự mất cân bằng thương mại khiến phí vận chuyển hàng hóa tăng và làm giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

"Mức tồn kho của các nhà xuất khẩu thủy sản đang ở mức cao nhất từ trước đến nay do hàng hóa xuất đi chậm. Nếu tình hình này kéo dài, nó có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm dòng tiền và đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào cảnh khó khăn bi đát", ông Fofandi nhấn mạnh.

Chủ tịch SEAI cho biết 30 - 40% số tàu đánh bắt cá ở bờ biển phía tây Ấn Độ thậm chí vẫn chưa hoạt động, trong khi đơn giá cá xuất khẩu hiện đang thấp hơn cùng kỳ năm trước 30%.

Ông Fofandi nói nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cải thiện từ từ, song các nhà xuất khẩu cũng không khỏi lo ngại vì chính phủ chậm công bố chương trình khuyến khích xuất khẩu mới.

"Chính phủ đã gia hạn MEIS cho đến cuối năm 2020 và sau đó kéo dài thêm đến tháng 4/2021. Ở thời điểm này, sự hỗ trợ của chính phủ sẽ giúp các nhà xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu", ông Fofandi lý giải.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ - thị trường lớn nhất của đất nước Nam Á, trong 10 tháng đầu năm 2020 đã giảm xuống còn khoảng 221.500 tấn. Cùng kỳ năm 2019, Ấn Độ xuất được hơn 231.000 tấn tôm sang thị trường Mỹ.



Theo kinh tế và tiêu dùng
Báo cáo phân tích thị trường