Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại các nước đã tác động lớn tới ngành cá ngừ thế giới nói chung và ngành cá ngừ Việt Nam nói riêng.
VASEP cho rằng xuất khẩu cá ngừ trong năm 2021 vẫn chưa thể phục hồi do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Hiện tại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các thị trường vẫn chưa được kiểm soát, hơn thế nữa còn có nguy cơ bùng phát trở lại nên dự kiến, thị trường cá ngừ thế giới vẫn chưa thể phục hồi.
Tại thị trường Mỹ, sự tăng trưởng nhập khẩu trở lại các sản phẩm cá ngừ đóng hộp giá rẻ của Trung Quốc vào Mỹ đang khiến cạnh tranh thị phân khúc thị trường này gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu cung ứng các sản phẩm cá ngừ bền vững tại Mỹ có xu hướng gia tăng.
Nhiều nhà nhập khẩu lớn như Walmart, Bumble Bee hay Chicken of the Sea đã có những động thái hướng tới tìm kiếm các nguồn cung cá ngừ bền vững, như đưa ra cam kết cung cấp 100% các sản phẩm cá ngừ thịt sáng từ nghề cá được chứng nhận của Hội đồng Quản lý Biển (MSC)…
Điều này dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ thông thường.
Còn tại thị trường EU, EVFTA sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, như cá ngừ chế biến đóng hộp, cá ngừ tươi và đông lạnh, sang thị trường EU trong năm 2021.
Tuy nhiên, các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16), một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những tháng đầu năm dự kiến sẽ giảm.
Do các sản phẩm này của Việt Nam sang EU đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong EVFTA nên không được miễn thuế về 0% theo mức hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ) khi xuất khẩu sang EU nữa.
Trong khi đó, năm 2021 Nghị viện EU đã tăng mức hạn ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm này theo ATQ lên 35.000 tấn, điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Trung Quốc hưởng lợi. Cạnh tranh tại phân khúc thị trường này của EU dự kiến sẽ gia tăng.