Theo Kinh tế và Tiêu dùng
Từ tháng 2, Anh chính thức ra khỏi EU và trở thành thị trường tiềm năng với thủy sản Việt Nam vì trong khi xuất khẩu sang các nước thành viên EU đều giảm mạnh do tác động của dịch Covid thì xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng cao.
Tính đến cuối tháng 9/2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng gần 23% đạt gần 258 triệu USD, trong đó tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ đạo đều tăng (tăng lần lượt 19% và 27%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ, các loại cá biển khác và cua ghẹ cũng tăng lần lượt 6%, 101% và 55%.
Xuất khẩu cá tra sang Anh có sự đột phá về cơ cấu sản phẩm, theo đó xuất khẩu cá tra chế biến tăng đột biến gấp hơn 15 lần cùng kỳ năm ngoái đạt 16 triệu USD, chiếm 33% tổng xuất khẩu cá tra, trong khi năm 2019 chỉ chiếm 3%.
Ngoài ra Anh cũng tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm chế biến và đông lạnh như tôm chân trắng chế biến (tăng 33%), tôm sú chế biến tăng 456%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biến phile đông lạnh tăng 127%...
Năm 2020, Anh cũng nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam với tỉ trọng trên 4%. Năm 2020 dù Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của hiệp định EVFTA đến hết 31/12.
Hiện nay, Anh đang có kế hoạch kí hiệp định thương mại tự do với các nước trong đó có Việt Nam. Nếu hai nước đạt được thỏa thuận thì hiệp định FTA với Anh sẽ dựa trên cơ chế tiếp nối hiệp định EVFTA với các điều khoản tương tự như EVFTA.
Các thỏa thuận thương mại đang được đàm phán có thể giảm thuế đánh vào các sản phẩm được giao dịch và tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu từ các nước có giao dịch thương mại.
VASEP cho rằng Brexit rất cần được quan tâm vì một số lí do. Đối với những doanh nghiệp coi Vương quốc Anh là thị trường chính, nếu không có FTA, một khi Brexit không đạt được thỏa thuận, các giao dịch hiện tại với Liên minh Châu Âu sẽ không thể tiếp tục.
Ngoài ra, nếu đối thủ cạnh tranh thương lượng và có thỏa thuận mới với Vương quốc Anh, có thể sẽ giúp họ có lợi thế trong việc tiếp cận thị trường.
Anh là 1 trong 7 nước nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong khối EU, nhưng đồng thời cũng là nước xuất khẩu đứng thứ 8 trong nội khối trong những năm qua với giá trị nhập khẩu tăng từ 4 đến 4,5 tỉ USD trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, nước này cũng xuất khẩu thủy sản cũng tăng từ 2 đến 2,6 tỉ USD, trong đó riêng xuất khẩu nội khối chiếm khoảng 1,6 – 1,9 tỉ USD (chiếm 70-80%).
Hiện nay, việc đánh bắt thủy sản của EU chủ yếu diễn ra ở vùng biển Vương quốc Anh và Anh tiết lộ rằng sau khi Brexit thành hiện thực vào đầu năm tới, Anh sẽ là một quốc gia ven biển mới độc lập, họ muốn kiểm soát vùng biển và cá của mình.
Các nước EU và Anh đang cố gắng đi đến một thỏa thuận nghề cá hợp lí, tuy nhiên đó là vấn đề nhạy cảm không dễ đi đến sự thống nhất giữa Anh và các nước thành viên EU.
Do vậy, trong tình huống EU và Anh không đến được sự thỏa thuận hợp lí, thương mại của Anh với nội khối EU sẽ khó khăn, đồng thời sản lượng khai thác của EU sẽ giảm mạnh. Khi đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU với các nước ngoại khối sẽ tăng.
VASEP cho rằng đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các nước xuất khẩu thủy sản gia tăng thị phần tại EU.
Đối với thị trường Anh, việc rút khỏi EU không ảnh hưởng đến thương mại với các nước ngoại khối EU vì chính sách thuế nhập khẩu của Anh không thay đổi so với mức thuế của khối EU.
Nhu cầu thủy sản của Anh được dự báo sẽ vẫn ổn định và có thể gia tăng đối với các sản phẩm thủy sản nuôi.