Nguồn: Dân Việt
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 941.300 ha cao su, trong đó 710.700 ha đang trong giai đoạn thu hoạch mủ, với lượng mủ đạt gần 1,19 triệu tấn quy khô trong năm. Khoảng 49% trong tổng diện tích là cao su đại điền, chủ yếu là do các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) quản lý. Phần diện tích còn lại (51%) là diện tích tiểu điền.
Việt Nam có khoảng 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, khoảng gần 76% diện tích cao su tiểu điền đang trong giai đoạn thu hoạch mủ, với lượng cung khoảng trên 732.200 tấn mủ quy khô. Lượng cung này chiếm 62% tổng lượng mủ được khai thác trên toàn diện tích cao su cả nước năm 2019.
Theo khảo sát của Tổ chức Forest Trends, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và Hiệp hội Cao su Việt Nam tại Bình Phước, Kon Tum và Quảng Trị, cao su tiểu điền đóng vai trò quan trọng tạo sinh kế cho người dân.
Khoảng 48% số hộ khảo sát cho biết nguồn thu từ cao su chiếm 50 – 75% tổng nguồn thu trong năm của hộ, 28% số hộ có nguồn thu từ cao su chiếm trên 2/3 trong tổng thu nhập của hộ.
Số hộ có thu nhập từ cao su chiếm 75 – 100% tổng nguồn thu của hộ ở Quảng Trị là 41%, kế tiếp ở Kon Tum 26% và Bình Phước 13%.
Đáng chú ý, dù giá cao su tăng, giảm bao nhiêu đi chăng nữa thì các hộ trồng cao su tiểu điền vẫn phụ thuộc nhiều vào các đại lý trung gian, đây cũng là hình thức phổ biến nhất trong tiêu thụ cao su tiểu điền hiện nay.
Kênh này có khối lượng mủ giao dịch lớn nhất, với trên 79% lượng mủ từ 91% số hộ được tiêu thụ qua kênh này.
Sở dĩ việc tiêu thụ cao su của các hộ tiểu điền vẫn phụ thuộc vào thương lái/đại lý là do phần lớn vườn cao su tiểu điền xa nhà máy chế biến, nên các đại lý mua bán mủ nguyên liệu thông qua từ 2 đến 3 cấp, với các đại lý nhỏ cung nguyên liệu đầu vào cho các đại lý lớn hơn, trước khi cung cấp đến công ty chế biến.
Liên kết giữa hộ tiểu điền và đại lý hay tư thương thu mua mủ nguyên liệu được hình thành dựa trên uy tín và sự tin cậy giữa 2 bên.
Hộ tiểu điền và đại lý không có hợp đồng mua bán chính thức. Giữa 2 bên không có cam kết cụ thể, các thỏa thuận mua bán chỉ là thỏa thuận miệng được xác định hàng ngày theo chuyến hàng hộ tiểu điền bán cho đại lý.
Giá cao su được tính theo độ mủ (TSC), là tổng hàm lượng chất rắn để quy đổi ra hàm lượng cao su khô (DRC) trong 1 đơn vị khối lượng. Giá cả do tư thương – bên thu mua – đưa ra dựa trên thông tin do các doanh nghiệp chế biến trong vùng cung cấp. Ở một số nơi, giá thu mua được duy trì trong khoảng thời gian 10 ngày.
Khảo sát trực tiếp hộ tiểu điền tại Bình Phước, Kon Tum và Quảng Trị cho thấy có đến 88,7% số hộ cho biết họ bán toàn bộ hoặc phần lớn mủ của hộ cho các đại lý. Do vậy, các đại lý ở vị trí "tay trên" trong mối liên kết với các hộ tiểu điều.
Hiện việc xác định độ mủ hoàn toàn do đại lý kiểm soát, điều này tạo ra sự bất lợi cho hộ. Một số đại lý khi đo độ mủ có thể có những "thủ thuật" nhằm hạ thấp độ mủ (ví dụ như đong/cân mẫu không đủ lượng, lấy mẫu mủ nước ở vị trí có hàm lượng cao su thấp, đốt/nướng quá mức).
Đã có nhiều trường hợp bất đồng hay tranh cãi xảy ra giữa hộ và đại lý về kết quả xác định độ mủ do đại lý thực hiện.
Bán trực tiếp cho công ty, giá cao su luôn ổn định, hộ tiểu điền đỡ thiệt thòi
Theo nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và Hiệp hội Cao su Việt Nam, chuỗi liên kết giữa nhóm hộ tiểu điền và công ty chế biến mủ cao su sẽ đảm bảo tính bền vững, đảm bảo lợi ích của các bên, nhất là hộ cao su tiểu điền.
Tại Quảng Trị, từ cuối năm 2018, với 5 nhóm hộ tiểu điền tại các xã Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Hiếu của huyện Cam Lộ có thỏa thuận cung cấp mủ nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến mủ cao su Cam Lộ (thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị).
Mỗi nhóm hộ hiện nay có 15 – 30 hộ thành viên, với diện tích khoảng 30 ha cao su/nhóm. Mỗi nhóm cung bình quân khoảng 7 tạ đến 1 tấn mủ nước/ngày cho nhà máy.
Nhóm nhận được hỗ trợ của nhà máy như hỗ trợ thuốc chống đông, máng che mưa, tập huấn kỹ thuật khai thác cho các hộ thành viên của nhóm đã ký thỏa thuận.
Nhóm hộ cam kết khối lượng mủ nhóm sẽ cung cấp trong thời gian thoả thuận có hiệu lực, không pha tạp chất vào mủ, giao mủ đúng thời gian theo yêu cầu của nhà máy. Nhà máy chế biến cam kết mua mủ của nhóm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường tại thời điểm giao dịch. Nhà máy báo giá thu mua hàng ngày cho nhóm làm cơ sở để xác định giá giao dịch. Nếu nhà máy phát hiện mủ bị pha tạp chất sẽ hủy thỏa thuận, dừng thu mua.