Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra vượt qua cơn bĩ cực, bước vào chu kỳ tăng giá mới đầu năm 2022
28 | 12 | 2021
Xuất khẩu cá tra năm 2021 dự kiến đạt 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020. Những tín hiệu lạc quan ở nhiều thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Mexico, Brazil… cùng với việc thiếu hụt nguồn cung trong quý I/2022 đang giúp giá cá tra đang bước vào chu kỳ tăng mới.

Xuất khẩu cá tra về đích 1,5 tỷ USD và cú bước hụt vào quý III

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) xuất khẩu cá tra năm 2021 dự kiến đạt 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020. Xuất khẩu cá tra về đích nhưng chưa bứt phá được như kỳ vọng vì cú bước hụt vào quý III.

Xuất khẩu cá tra vượt qua cơn bĩ cực, bước vào chu kỳ tăng giá mới đầu năm 2022 - Ảnh 1.

(Nguồn: VASEP)

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết nửa đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 142 triệu USD, tăng 28% so với tháng 6/2020.

Tính hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 780 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả tăng trưởng dương, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ bứt phá trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, đà tăng chưa kéo dài được lâu thì bước vào đầu quý III, biến thể Delta lan rộng ở ĐBSCL khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều đứng ngồi không yên vì lo phòng dịch COVID-19.

Đến đầu tháng 9, 52/106 nhà máy chế biến cá tra phải tạm dừng hoạt động vì có ca nhiễm COVID-19 hoặc không đủ điền kiện sản xuất 3 tại chỗ (3TC), số còn lại phải hoạt động cầm cự, công suất chỉ đạt 30 – 40%.

Việc nhà máy giảm công suất, dừng hoạt động khiến xuất khẩu tra trong tháng 9 giảm tới 36,5% xuống còn hơn 80 triệu USD.

Đồng thời đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cá tra lao dốc. Trước đó, xuất khẩu cá tra tháng 8 cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống khoảng 90 triệu USD.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết quy định giãn cách xã hội thiếu đồng nhất ở khu vực ĐBSCL gây khó khăn cho việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy, hàng hóa từ nhà máy ra cảng.

"Đơn hàng giao chậm có thể khiến doanh nghiệp bị đối tác phạt, cắt hợp đồng, người lao động không có công ăn việc làm, đất nước không thu về được ngoại tệ.

Ngành cá tra rất vất vả mới xây dựng được thị trường ở EU, Mỹ, Trung Quốc… Nếu các Bộ và UBND các tỉnh không vào cuộc kịp thời, ngành cá tra có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu", ông Quốc nói.

Ngay sau khi Việt Nam chuyển từ "Zero COVID" sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng.

Xuất khẩu cá tra tháng 11 đạt 227 triệu USD, tăng 65% so với tháng 10 và tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu cá tra tăng mạnh.

Với đà tăng này, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ đạt 1,6 tỷ USD.

"Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng vì nhu cầu thị trường này lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc khó đoán định vì nước này vẫn kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu, còn thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh", bà Hằng dự báo.

Hai thái cực đối lập giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc, EU

Trong bức tranh xuất khẩu cá tra năm 2021, những mảng màu sáng, tối phân hóa rõ rệt tại các thị trường lớn.

Trong đó, Mỹ là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2021.

Nhu cầu tiêu dùng cá tra của Mỹ hồi sinh theo ngành dịch vụ thực phẩm kể từ sau khi quốc gia này ứng phó được dịch COVID-19.

Trong quý III, IV, Mỹ tăng lượng nhập khẩu cá tra với mức gần 50% và bù đắp lớn cho các thị trường khác có sự sụt giảm đáng kể.

Chỉ riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 34 triệu USD, tăng 60% so với tháng 11/2020.

Lũy kế 11 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 324 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, thị trường này đang chiếm tỷ trọng 22% và nhu cầu tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vắc xin cùng gói phục hồi kinh tế.

Xuất khẩu cá tra vượt qua cơn bĩ cực, bước vào chu kỳ tăng giá mới đầu năm 2022 - Ảnh 2.

(Nguồn: VASEP)

Những tín hiệu tích cực của thị trường Mỹ giúp doanh thu tháng 11 của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.

Cụ thể, doanh thu xuất khẩu tháng 11 của Vĩnh Hoàn đạt 912 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với tháng 10. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của Vĩnh Hoàn với mức tăng 68% lên 415 tỷ đồng, chiếm gần 50% doanh thu.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 7.811 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Mỹ, doanh thu đạt 3.429 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44%.

Hiện nay, Vĩnh Hoàn thuộc 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam không bị áp thuế CBPG của Mỹ. Đây là một cơ hội để Vĩnh Hoàn tiếp tục gia tăng thị phần của mình ở thị trường tỷ USD này.

Trái ngược với mảng sáng ở thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, EU vẫn xám xịt và thiếu bền vững.

Cụ thể, trong tháng 11, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 101 triệu USD, tăng 80% so với tháng 11/2020 và tăng gấp 9 lần so với tháng 1.

Trước đó, giai đoạn tháng 5 – 10, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng âm vì thị trường này có động thái siết chặt thủy sản đông lạnh nhập khẩu.

Ngoài ra, việc các cảng biển, cửa khẩu giao thương Trung Quốc bị tắc nghẽn hoặc đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19 cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Xuất khẩu cá tra vượt qua cơn bĩ cực, bước vào chu kỳ tăng giá mới đầu năm 2022 - Ảnh 3.

(Nguồn: VASEP)

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc liên tiếp gặp nhiều bất lợi khiến 45 doanh nghiệp chế biến cá tra rời bỏ thị trường Trung Quốc, trong đó có 3 doanh nghiệp lớn là IDI Corp, Cadovimex II và Nam Việt.

Đại diện CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cho biết 6 tháng cuối năm 2020, thị trường Trung Quốc từng mang đến cho ANV nhiều hợp đồng lớn, chiếm gần 40% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán tại thị trường này không tăng kịp với chi phí đầu vào nên ANV đã chủ động giảm tỷ lệ xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc để tập trung vào các thị trường còn giữ được biên lợi nhuận tốt.

Trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của ANV" đại diện Nam Việt cho biết.

Thị trường Trung Quốc khó khăn, doanh nghiệp rời bỏ khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra 11 tháng năm 2021 sang thị trường này đạt 411 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bắt đầu khả quan vào cuối năm song vẫn phải đối mặt với các rào cản thương mại như lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Sau Trung Quốc, xuất khẩu cá tra sang EU vẫn ảm đạm, chưa thoát khỏi tăng trưởng âm dù có lợi thế từ EVFTA.

Trong tháng 11, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 9 triệu USD, tương đương với tháng 11/2020. Song trước đó, xuất khẩu cá tra có 8/11 tháng tăng trưởng âm, mức giảm 4-54%.

Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 94 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra vượt qua cơn bĩ cực, bước vào chu kỳ tăng giá mới đầu năm 2022 - Ảnh 4.

(Nguồn: VASEP)

Sau hơn một năm thực thi EVFTA, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn chưa thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm bởi lực cản COVID-19.

Đến cuối tháng 5, khoảng 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam thoái lui khỏi thị trường này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết việc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rút khỏi sang EU chỉ là động thái nhất thời.

Trong bối cảnh COVID-19 ở châu Âu diễn biến phức tạp, các giao dịch mua bán thưa thớt, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh và một số nhà nhập khẩu tạm dừng sản xuất, kinh doanh để phòng dịch nên không ghi nhận dữ liệu xuất khẩu.

Vị này khẳng định nếu cầm cự và tồn tại được qua giai đoạn này, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn.

Giá cá tra bước vào chu kỳ tăng mới?

Xuất khẩu cá tra trong quý IV đã lấy lại được đà tăng trưởng và có tín hiệu lạc quan ở cả thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Mexico, Brazil…

Hiện, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán 2022. Điều này góp phần giúp giá cá tra khởi sắc.

Giá bán cá tra thương phẩm khoảng 23.500 đồng – 24.000 đồng/kg (loại 0,9 – 1,3kg) tăng 2.000 – 3.500 đồng/kg so với thời gian giãn cách.

Với mức giá này, người nuôi bắt đầu có lãi. Đây cũng là động lực cho người dân thả nuôi cá, đảm bảo nguyên liệu chế biến cho năm 2022.

Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản dự báo trong quý I/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Nguyên nhân là năm 2021 các cơ sở sản xuất giống chỉ ương dưỡng 25 tỷ con cá tra bột và 3,1 tỷ con cá tra giống, bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020.

Đồng thời, diện tích thả nuôi cá tra giai đoạn giãn cách xã hội vào tháng 7-9, diện tích thả nuôi cá tra giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Xuất khẩu cá tra vượt qua cơn bĩ cực, bước vào chu kỳ tăng giá mới đầu năm 2022 - Ảnh 5.

(Nguồn: Tổng cục Thủy sản)

Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết: "Hiện đã qua mùa thả giống. Nếu ương cá bột vào mùa đông, tỷ lệ thành công rất thấp, kèm theo yếu tố dịch bệnh, cá không có sức đề kháng tốt.

Việc thiếu hụt nguồn cung đang giúp giá cá tra đang bước vào chu kỳ tăng mới, có thể chạm mốc 27.000 – 28.000 đồng/kg vào đầu năm 2022".

Đại diện VINAPA cho biết các doanh nghiệp lớn đều có vùng nuôi, vùng liên kết. Do đó, nông dân cần xem xét yếu tố thời tiết, dự báo thị trường và liên kết với doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, an toàn khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.

 

 



Theo Vasep
Báo cáo phân tích thị trường