Theo Vietnamnet
Xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà) là địa phương có 2/3 tổng diện tích đồi núi. Theo các bậc cao niên, cây chè bén rễ và phát triển ở vùng quê này từ hơn 100 năm trước. Nghề trồng chè gắn bó sâu nặng với người dân từ bao đời nay.
Hiện tại, toàn xã Hồng Lộc có hơn 1.500 hộ dân chăm trồng với tổng diện tích 57ha. Bình quân mỗi ha chè cho thu hoạch 20 tấn/năm, đạt thu thập 70 triệu đồng, trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.
Nhằm hướng tới xây dựng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có năng suất, chất lượng cao theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap, ngày 19/6/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” dùng cho các sản phẩm từ cây chè của xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh”.
Sau quá trình xác định danh mục sản phẩm, khu vực sản xuất, xây dựng bản đồ địa lí; lựa chọn logo nhãn hiệu; hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu..., đến ngày 14/7/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã có quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chè Hồng Lộc. Thời gian có hiệu lực trong 10 năm (có thể gia hạn thêm) do Hội Nông dân xã Hồng Lộc làm chủ sở hữu.
Theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ gồm các nhóm 30 (lá chè tươi, cành chè tươi), nhóm 31 (trà, lá chè đã qua sơ chế, cành chè đã qua sơ chế), nhóm 35 (mua bán trà, lá chè đã qua sơ chế, cành chè đã qua sơ chế, lá chè tươi, cành chè tươi…).
|
Toàn xã Hồng Lộc hiện trồng 57ha, bình quân mỗi ha chè cho thu hoạch 20 tấn/năm, đạt thu thập 70 triệu đồng |
Theo giấy chứng nhận đăng ký, tại thời điểm ban đầu có 269 hộ/gần 1.000 hộ trồng chè ở xã Hồng Lộc thuộc diện được bảo hộ thương hiệu. Nếu đủ điều kiện thì sau này có thể bổ sung thêm.
Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Chè Hồng Lộc” sẽ góp phần phát triển tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.