Theo Báo Thanh Hóa
Huyện Quan Sơn hiện có trên 100 ha chè tán ma tập trung tại các xã Trung Xuân, Tam Thanh, Sơn Thủy, Trung Thượng… trong đó xã Trung Xuân có trên 35 ha tại bản Phụn, bản Phú Nam.
Theo các cụ cao niên người Thái ở Quan Sơn, từ “tán ma” trong tiếng Thái có nghĩa là khách quý đến nhà. Ý nói loại chè này chỉ dùng để đón tiếp khách quý.
Chè tán ma được làm từ búp chè, bà con dân tộc Thái sử dụng làm nước uống hằng ngày từ lâu đời. Bà Hà Thị Cán, trưởng nhóm sản xuất chè tán ma Pha Dua, xã Trung Xuân cho biết: Một thời gian dài diện tích trồng chè tán ma trên địa bàn xã không được chăm sóc, đã dần bị mai một. Từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dự án, diện tích cây chè tán ma trên địa bàn đã dần được khôi phục. Diện tích chè được người dân chuyển trồng xuất tập trung, quy mô theo hướng hàng hóa, chú trọng các khâu chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Sản phẩm chè tán ma được chế biến hoàn toàn thủ công. Búp chè sau khi hái về, để héo tự nhiên hoặc phơi nắng tầm 30 phút, sau đó vò bằng tay và ủ bằng lá ráy rừng hoặc mo cau trong 2 giờ để hút bớt các chất nhựa chát trong chè, trước khi đưa ra phơi khô dưới nắng tự nhiên.
Chè có màu đỏ vàng, vị ngọt thơm tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa.
Búp chè được vò sau đó ủ với lá ráy rừng hoặc mo cau để hút các chất nhựa chát trong chè
Nhằm xây dựng sản phẩm chè tán ma thành sản phẩm OCCOP, năm 2019 Hội phụ nữ xã Trung Xuân được huyện hỗ trợ thành lập nhóm hộ sản xuất chè tán ma do phụ nữ làm chủ với 24 thành viên, trên tổng diện tích 2 ha chè.
Các hộ tham gia nhóm, các thành viên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, liên kết cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng các thành viên trong nhóm chế biến và cung ứng ra thị trường từ 80 đến 100 kg chè tán ma khô, với giá bán 200.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi tháng nhóm hộ thu về gần 20 triệu đồng, mỗi năm một hộ cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Tuy mức thu nhập còn khiêm tốn, nhưng kết quả bước đầu trong việc khôi phục chè tán ma trên địa bàn xã đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.
Để sản phẩm chè tán ma mở rộng thị trường tiêu thụ rất mong các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ để bà con mở rộng thêm diện tích sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm xây dựng chè tán ma thành sản phẩm OCOP, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc…
Sản phẩm chè tán ma Pha Dua sau khi được chế biến
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quan Sơn cho biết hiện nay việc phát triển vùng nguyên liệu chè tán ma trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư trồng và sản xuất chè, diện tích chè lại rải rác, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thâm canh chè chưa được triển khai rộng rãi.
Để xây dựng sản phẩm chè tán ma Pha Dua dân tộc Thái trở thành sản phẩm OCCOP huyện Quan Sơn đang phối hợp với các cơ quan chức năng từng bước xây dựng, củng cố nâng cấp chất lượng chè, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích chè tán ma, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè tán ma rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh.