Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 12/2021
17 | 01 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 8,57 tỷ USD, tăng 14,35% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt 3,23 tỷ USD, tăng 21,35%. Tính riêng tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 918,59 triệu USD, tăng 20,7% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11/2021 là cao su (chiếm 29,1%), gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 14,4%), rau quả (chiếm 13,6%), thủy sản (chiếm 13,1%), sắn và sản phẩm từ sắn (chiếm 13,1%), hạt điều (chiếm 6,6%), gạo (chiếm 3,8%). So với tháng 10/2021, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 55,3%), thủy sản (tăng 36,5%), thịt và sản phẩm từ thịt (tăng 24,1%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là chè (giảm 30,7%), gạo (giảm 3,6%). So với cùng kỳ, các mặt  hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 78,0%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 45,6%), cà phê (tăng 29,8%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 21,3%), thủy sản (tăng 4,9%); các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là gạo (giảm 33,1%), mây tre đan (giảm 32,0%), chè (giảm 28,8%), hạt điều (giảm 17,2%), rau quả (giảm 12,6%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Theo báo cáo của Quảng Ninh tính đến ngày 30/12/2021, lượng hàng đã đến cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ, chờ làm thủ tục xuất khẩu trên địa bàn Quảng Ninh còn khoảng gần 1.600 container, và còn gần 450 phương tiện đã làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc, còn lưu lại bên Trung Quốc. Tính đến ngày 11/01/2022, Tổng lượng xe tồn tại 03 khu vực cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.721 xe, trong đó: hoa quả 749 xe (So với 1.818 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 10/01/2022, lượng tồn đã giảm 97 xe). Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị: thông quan xuất khẩu 70 xe (có 56 xe hoa quả), tồn 1.134 xe (Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hoá mới từ nội địa lên: 63 xe (linh kiện điện tử, ván bóc, hoa quả), Tổng số phương tiện quay đầu về nội địa: 3 xe hoa quả; Cửa khẩu chính Chi Ma: tồn 218 xe, mặt hàng tồn chủ yếu: tinh bột sắn, chè khô, hạt vừng, cây thạch đen, ớt, sắn lát,... (có 15 xe mới từ nội địa đưa lên); Cửa khẩu phụ Tân Thanh: tồn 369 xe, mặt hàng tồn chủ yếu: hoa quả (117 xe), nông sản (hạt sen khô, hạt vừng, cây thạch đen, ớt, sắn lát,…)  (Tổng số phương tiện quay đầu về nội địa: 88 xe; Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hoá mới từ nội địa lên: 23 xe (4 xe xoài, 2 xe mít, 20 xe tinh bột sắn).

Nhằm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 8787/BNN-BVTV ngày 24/12/2021 yêu cầu các đơn vị của Bộ, các chi Cục đóng tại các cửa khẩu với Trung Quốc và các địa phương thực hiện các nội dung: (i) Phối hợp với cơ quan y tế tại các địa phương phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu nông sản tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch “5K” cho người, phương tiện và hàng hoá nông sản xuất khẩu; chỉ hoàn tất thủ tục xuất khẩu hàng hóa nếu đảm bảo quy định “5K” và các quy định liên quan của cơ quan chức năng Trung Quốc; (ii) Phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên kết nối thông tin với tổ công tác của tỉnh Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt thông tin, khả năng thông quan tại các cửa khẩu để điều tiết lượng hàng xuất khẩu cho phù hợp, tránh tối đa tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu; (iii) Phối hợp với lực lượng Hải quan, Biên phòng chủ động trao đổi với phía Bạn để kịp thời xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt việc đáp ứng các yêu cầu về phòng chống Covid-19; kịp thời báo cáo Bộ để xử lý các vấn đề phát sinh.

Nhằm giảm tải lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc bảo quản hàng nông thủy sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 8721/BNN-CBTTNS ngày 22/12/2021 đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét cho phép doanh nghiệp đã đưa hàng hóa nông thủy sản đông lạnh lên các cửa khẩu chờ xuất khẩu được phép gửi hàng hóa vào các kho lạnh của hệ thống kho ngoại quan tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai để bảo quản và chờ thông quan xuất khẩu. Việc đưa xe container vào kho ngoại quan sẽ giúp giảm lượng xe ùn tắc tại cửa khẩu và giảm chi phí cho doanh nghệp trong việc bảo quản hàng nông thủy sản chờ xuất khẩu.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo vào tháng 10/2021, GDP Trung Quốc được ước tính đạt mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, thấp hơn mức 8,5% dự báo đưa ra hồi tháng 6. WB đánh giá xuất khẩu và tiêu dùng nội địa vẫn là 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, WB cũng dự báo đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm tốc đáng kể, xuống còn 5,1% trong năm tới. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 1990 - khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ tăng 3,9%. Nguyên nhân là do chính phủ Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ thúc đẩy tăng trưởng sang các nỗ lực ổn định nền kinh tế và bình ổn thị trường bất động sản. Cùng với đó là tình trạng thiếu điện, dịch bệnh tái bùng phát, v.v.

Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 8/12/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc phải bảo đảm an ninh ngũ cốc cho 1,4 tỷ dân. Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc thông báo vào ngày 6/12/2021 rằng sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc tăng thêm 13,4 triệu tấn (tức 2%) so với năm 2020, lên mức 685 triệu tấn vào năm 2021. NBS cho biết, thời tiết cực đoan và lũ lụt đã làm sản lượng ngũ cốc của tỉnh Hà Nam giảm 2,8 triệu tấn vào năm nay (2021). Đồng thời, Trung Quốc đã nhập 130 triệu tấn lương thực trong 10 tháng đầu năm 2021. Theo Trung tâm thương mại ngũ cốc Nam Hoa Quảng Đông, Trung Quốc nhập 2,94 triệu tấn gạo vào năm 2020, tăng 15,6% so với năm 2019, trong đó có 911.400 tấn nhập từ Myanmar, 786.700 tấn nhập từ Việt Nam, 459.200 tấn nhập từ Pakistan, 324.600 tấn từ Thái Lan, 232.800 tấn từ Campuchia, và 75.000 tấn từ Lào. Trong cùng kỳ, xuất khẩu gạo của Trung Quốc (chủ yếu là sang các nước châu Phi) giảm 16,1% xuống còn 2,3 triệu tấn.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu). Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc và cơ quan này cũng yêu cầu các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào nước này sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.

Thực chất, Trung Quốc đã cố gắng áp dụng các quy định kiểm soát thực phẩm nhập khẩu này từ nhiều năm qua, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước. Tháng 9/2017, EU đã khiếu nại quyết định này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì vậy, Trung Quốc đã dời ngày thực hiện các quy định mới từ ngày 1/10/2017 đến ngày 30/9/2019. Hạn chót lại dời một lần nữa đến 1/1/2022. Cuối tháng 10/2021, các quan chức ngoại giao từ nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ đã gửi thư cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) bày tỏ quan ngại và phản đối quy định này. Họ cho rằng Trung Quốc không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện quy định mới và yêu cầu Trung Quốc trì hoãn áp dụng biện pháp trên trong ít nhất 18 tháng để tránh gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất căng thẳng do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, thông tin mà các bên nhận được từ nhà chức trách Trung Quốc là sẽ không có bất cứ giai đoạn ân hạn hay miễn trừ nào nữa. GACC cho biết, họ đã cân nhắc đầy đủ, tích cực chấp nhận các đề xuất hợp lý và tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận của WTO về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời khẳng định đã trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường