Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
HTX trước mối lo phân bón giả, chi phí đầu tư cao
01 | 04 | 2022
Thời điểm hiện tại, cây lúa và nhiều loại cây màu ở các địa phương đang bước vào giai đoạn phát triển, cần sử dụng phân bón để bảo đảm điều kiện sinh trưởng. Tuy nhiên, vấn đề giá phân bón tăng cao cùng với lượng phân bón giả vẫn tồn tại trên thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Theo VNBusiness

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa xử phạt vi phạm hành chính 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể về nội dung ghi nhãn không đúng quy định, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đảm bảo chất lượng. Trong đó có 53 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phân bón kém chất lượng.

Đối mặt với tình trạng phân bón giả, tăng giá

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc HTX Xuân Viên (Hải Dương) cho biết hiện nay, người nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá cao, nhưng chất lượng lại không đi cùng với giá tiền, không đúng như quảng cáo, giới thiệu trên bao bì.

Cụ thể là nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, HTX nên ghi nhãn mác, thành phần gần giống với bao bì của các đơn vị sản xuất phân bón chính thống. Nếu không để ý kỹ sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, gây thiệt hại cho thành viên HTX.

Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao là đơn vị từng liên kết cung cấp phân bón cho nhiều HTX trên cả nước cũng phát hiện một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao để dùng cho phân bón của các công ty không có thương hiệu, sau đó bán với giá thấp.

Điều này làm người dân, HTX nghi ngờ chất lượng phân bón của doanh nghiệp nên đơn vị này phải nhiều lần đính chính và lên kế hoạch giúp người dân, doanh nghiệp nhận biết, phân biệt nguồn gốc, chất lượng phân bón để họ an tâm sản xuất.

pbg-VBQQ-5801-1648690949.jpg

Phân bón giả gây thiệt hại nặng nề cho người dân, thành viên HTX.

Thực chất, thuốc trừ sâu, phân bón là mặt hàng rất quan trọng đối với các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, tác động trực tiếp tới hơn 6,5 triệu hộ nông dân là thành viên HTX nông nghiệp cả nước. Trong khi đó, hiện tượng “thật giả, bất minh” đang làm nhiễu loạn thị trường thuốc trừ sâu, phân bón hiện nay.

Theo Cục Quản lý thị trường, việc sử dụng phân bón kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, theo dự báo của đơn vị này thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Điều này có nghĩa nếu các HTX không nắm bắt thông tin, tìm hiểu các đơn vị cung ứng phân bón uy tín để liên kết cung cấp đầu vào theo hợp đồng thì tình trạng vừa sản xuất, vừa lo lắng về phân bón giả sẽ vẫn còn diễn ra.

Đặc biệt việc sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít HTX đang chủ động đầu tư máy móc sản xuất phân bón hữu cơ. Bởi hiện nay, nhiều bà con nông dân khi đi mua phân bón vẫn mua theo thói quen, ra cửa hàng họ đưa loại nào dùng loại đấy.

Thói quen này tạo điều kiện cho các loại phân bón giả nhãn mác được đưa ra thị trường, làm hạ thấp giá trị của các sản phẩm phân bón hữu cơ, phân bón bảo đảm chất lượng của các HTX. Trong khi các HTX sản xuất hay đứng ra phân phối phân bón bảo đảm nguồn gốc từ các doanh nghiệp tuy có sản phẩm tốt hơn nhưng lại hạn chế trong quảng bá, tiếp cận khách hàng nên khó cạnh tranh được với các đơn vị, cá nhân bán phân bón kém chất lượng nhưng có giá rẻ.

Theo các chuyên gia, người nông dân nên tổ chức sản xuất theo HTX, bởi vì HTX sẽ có những thông tin trao đổi về kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ nên sẽ biết được những sản phẩm phân, thuốc nào đủ tin cậy. Bởi khi HTX nhập phân bón đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

Không chỉ "đau đầu" về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, các HTX còn vật vã vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tăng cao và diễn ra trong thời gian dài, trong khi đầu ra cho nông sản đang gặp khó khăn do thị trường còn nhiều bất ổn bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Phạm Diễn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Vinh (Thừa Thiên Huế) cho biết so với năm ngoái, giá phân bón vụ Đông Xuân năm nay tăng 30-50%, trong khi giá các loại thuốc bảo vệ thực vật từ đầu vụ vẫn tăng 10-15% và chưa có dấu hiệu giảm trong khi giá lúa không tăng.

“Bình quân các loại phân bón có giá 10-13 nghìn đồng/kg, thì nay tăng lên gấp đôi. Hiện đang là giai đoạn lúa vào thời kỳ quan trọng là đẻ nhánh nên thành viên cần bón phân để kích thích lúa phát triển và phòng trừ sâu bệnh nhưng giá vật tư tăng cao, thành viên có nguy cơ thua lỗ”, ông Diễn nói.

Còn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông (Gia Lai) thì cho biết, giá cà phê chỉ quang mức 40.000 đồng/kg, thậm chí còn thấp hơn nhưng phân bón lại tăng giá đến chóng mặt, thành viên HTX chạy theo không kịp.

“Không biết các nhà quản lý có cách gì giúp người dân, HTX không chứ nếu cứ như hiện nay thì những người trồng cà phê chúng tôi chẳng thể nào vui”, ông Thành tâm sự.

Ít đầu tư, giảm diện tích

Việc giá các loại vật tư tiếp tục tăng giá so với vụ trước, phân bón giả, kém chất lượng hoành hành trong khi giá bán một số nông sản thấp gây khó khăn trong sản xuất, trồng trọt của các HTX.

Theo tính toán của ban giám đốc HTX Nông nghiệp Diên Hòa (Khánh Hòa), năng suất lúa chỉ đạt khoảng 60-65 tạ/ha, giảm hơn 10 tạ/ha so với năm 2021. Vụ lúa này, các thành viên HTX trồng 210ha, đã thu hoạch khoảng 80% diện tích. Giá lúa hiện nay chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với năm 2021, trong khi giá đầu tư tăng cao nên các thành viên gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Dù nhiều HTX đang đứng ra cung ứng vật tư, phân bón cho thành viên nhưng phía doanh nghiệp liên kết vẫn có xu hướng tăng giá theo giá thị trường ở mức nhất định. Chính vì vậy, dù được cung cấp phân bảo đảm chất lượng nhưng việc phân bón, thuốc trừ sâu tăng giá, các HTX cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”.

Khó khăn này khiến thành viên chần chừ hoặc buộc phải thay đổi hướng sản xuất. Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX VietGAP Nha Trang (Nha Trang) cho biết, nếu như những năm trước HTX trồng gần 4ha rau thì nay giảm xuống chỉ còn 1ha do chi phí đầu vào tăng cao đã đội chi phí đầu tư sản xuất lên nhiều lần, trong khi các thành viên lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí và tái đầu tư sản xuất.

Ngoài việc giảm diện tích, nhiều HTX cũng phải tính toán lại để giảm lượng phân, thuốc cần phải đầu tư, tránh bị lỗ. Xét ở một khía cạnh khác, giảm phân, thuốc sẽ giúp bảo vệ môi trường, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng nếu không bón đủ, đúng số lượng thì sản lượng và năng suất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng.

IMG-0104-2385-1648690949.jpg

Nhiều HTX phải giảm diện tích sản xuất để hạn chế thua lỗ khi giá vật tư đầu vào tăng cao.

Trước thực trạng hiện nay, nhiều HTX không dám nhập phân bón từ doanh nghiệp để trữ trong kho như trước vì tiền phân bón ứng trước cho các thành viên vẫn chưa thu lại được. Trong khi đó, giá phân bón tăng từng ngày, chi phí đầu tư cao, đầu ra chưa thực sự thuận lợi nên có khả năng người dân, HTX sẽ tiếp tục giảm đầu tư, bỏ ruộng hoặc cho thuê đất.

Cùng với đó, giá cước tàu biển và container tăng cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả đầu tư sản xuất của HTX tăng lên. Chính vì vậy, để hạn chế đà tăng giá phân bón hiện nay và giảm phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường, Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như ngừng xuất khẩu phân bón, phát triển xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường.

Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các HTX có thể nhận được vật tư nông nghiệp trực tiếp từ nhà máy sản xuất, giảm chi phí trung gian cho bà con nông dân.



Báo cáo phân tích thị trường