Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC THÁNG 5/2022
16 | 06 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 18/5 đánh giá bất chấp gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và dịch COVID-19, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang duy trì được đà hồi phục nhờ xuất khẩu khả quan.

Tuy nhiên, KDI hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hàn Quốc từ mức 3% xuống 2,8%, trong bối cảnh tiêu dùng tư nhân quý I vừa qua thấp hơn dự đoán, giá nguyên vật liệu leo thang, lãi suất tăng.

Trưởng phòng Dự báo kinh tế của KDI Jeong Kyu-cheol cho biết lãi suất thị trường tăng trở thành yếu tố kéo nền kinh tế đi xuống. Tiếp đó là các yếu tố bất ổn bên ngoài tác động tiêu cực tới xuất khẩu.

KDI cũng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm sau sẽ ở mức 2,3%, thấp hơn 0,5% so với dự báo tỷ lệ tăng trưởng trong năm nay. Viện nghiên cứu nhận định mặc dù tiêu dùng tư nhân sẽ được hồi phục, nhưng xu hướng tăng xuất khẩu sẽ chững lại, cán cân thương mại cũng sẽ xấu đi. Thêm vào đó, trong trường hợp bất ổn cung cầu nguyên vật liệu kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, thì kinh tế Hàn Quốc có thể sẽ co hẹp hơn.

KDI nhận định giá tiêu dùng cả năm nay sẽ tăng 4,2%. Tuy nhiên, giá tiêu dùng năm sau sẽ chỉ tăng 2,2% do giá dầu quốc tế ổn định trở lại, và giá tiêu dùng năm nay đã tăng cao.

Cuộc khủng hoảng giá ngũ cốc trên toàn cầu đang đè nặng lên các quốc gia như Hàn Quốc, nước phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để cung cấp thực phẩm và đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đã gây thêm áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình.

Các nền tảng theo dõi cho thấy, lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với dự báo và đạt mức cao nhất trong hơn 13 năm vào tháng Tư vừa qua. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,8% vào tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 4,4% được đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters gần đây.

Theo báo cáo của hãng China Media Group (CMG), giá thịt lợn ba chỉ loại thịt thường được người dân Hàn Quốc ưa chuộng đã leo lên mức 150 nhân dân tệ/kg, tương đương 22,4 USD/kg, tăng 20% ​​so với tháng trước.

Nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng mạnh chủ yếu là do giá lợn giống và giá thức ăn chăn nuôi tăng. Theo số liệu chính thức, chỉ số giá sản xuất thịt lợn ở Hàn Quốc đã tăng 28,2% trong tháng 4. Ngoài ra chi phí thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao cũng đẩy giá thịt gà và trứng gia cầm leo thang.

Theo số liệu của CMG, một nông dân nuôi gà ở Hàn Quốc cho biết chi phí chăn nuôi trang trại của gia đình ông đã tăng 42.000 nhân dân tệ mỗi ngày (6.272 USD), tức là tăng 50% so với năm ngoái do giá thức ăn chăn nuôi tăng.

CMG đã tiến hành khảo sát giá tại một số siêu thị quy mô lớn và chợ địa phương ở Hàn Quốc cho thấy, giá trứng gia cầm cũng đã tăng khoảng 10% so với tháng trước.

Các nhà phân tích cho rằng, người tiêu dùng Hàn Quốc rất có thể sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn do giá ngũ cốc thế giới vẫn đang trên đà tăng. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc cho biết đang tính tới phương án trợ cấp tiền mặt cho các hộ chăn nuôi để hỗ trợ việc mua thức ăn chăn nuôi, nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước.

Theo Hải quan Hàn Quốc, tháng 3/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 52,9% về lượng, đạt 4,8 nghìn tấn, trị giá 37,6 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 12 nghìn tấn, trị giá 95,5 triệu USD, tăng 18,6% về lượng và tăng 28,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 49,1% trong 3 tháng đầu năm 2021, lên 51,04% trong 3 tháng đầu năm 2022. 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Hàn Quốc đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 190,04 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 24,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 04/2022, Việt Nam xuất khẩu 262,1 triệu USD các mặt hàng NLTS chính tới Hàn Quốc, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu cao nhất tới thị trường này chiếm 41,1%, thứ hai là thủy sản với 32,5%, rau quả chiếm 7,2%. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính, sản phẩm cao su, sắn và thức ăn gia súc và nguyên liệu là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, còn lại các mặt hàng khác có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường