Nguồn etime.danviet.vn
Chè Việt ngày càng đáp ứng được nhu cầu khó tính của người tiêu dùng
Ước tính theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 xuất khẩu chè đạt 12 nghìn tấn, trị giá 21 triệu USD, giảm 4% về lượng, nhưng tăng 0,8% về trị giá so với tháng 7/2022; tăng 16% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với tháng 8/2021. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 78 nghìn tấn, trị giá 135 triệu USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2022 ước đạt 1.7810 USD/tấn, tăng 56% so với tháng 8/2021. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.727,8 USD/tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh bùng phát vào thời điểm tháng 8/2021 khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị gián đoạn, trong đó có mặt hàng chè. Điều này dẫn tới lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 ở mức thấp. Vì vậy, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2022 tăng rất mạnh so với tháng 8/2021, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ về lượng, nhưng tăng về trị giá so với tháng 7/2022 do giá tăng.
Trước đó, xuất khẩu chè trong tháng 7/2022 đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 21,2 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng 7/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2022 đạt 1.695,4 USD/tấn, giảm 6,1% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè đạt 66,2 nghìn tấn, trị giá 113,7 triệu USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.718,1 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu chủng loại chè xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022, chè xanh và chè đen là 2 chủng loại xuất khẩu chính, với lượng chiếm 89% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong khi chè xanh xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng cả về lượng và trị giá, thì chủng loại chè đen xuất khẩu giảm mạnh, đạt 28 nghìn tấn, trị giá 41,2 triệu USD, giảm 15,3% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, chủng loại chè ô long xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng chè xuất khẩu, nhưng lượng và trị giá tăng rất mạnh, đạt 338 tấn, trị giá 1 1 triệu USD, tăng 69,7% về lượng và tăng 162,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè ô long xuất khẩu bình quân đạt 3.016,4 USD/tấn, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2021. Chè ô long xuất khẩu tới thị trường Đài Loan và Trung Quốc, với lượng chiếm 97% tổng lượng chè ô long xuất khẩu.
Pakistan là thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2022, chè xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh cả về lượng và trị giá, đạt 26,2 nghìn tấn, trị giá 49,6 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Iraq và Ấn Độ giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm 2022. Chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 8,7 nghìn tấn, trị giá 14,8 triệu USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Chè xuất khẩu tới thị trường Nga đạt 5,2 nghìn tấn, trị giá 9 triệu USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 25,3% về trị giá; tới Trung Quốc đạt 3,4 nghìn tấn, trị giá 6,9 triệu USD, giảm 47,5% về lượng và giảm 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè tới thị trường Hoa Kỳ, Malaysia và Ả rập Xê –út tăng rất mạnh trong 7 tháng đầu năm năm 2022. Tốc độ tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu chè sang các thị trường này cho thấy chè của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu khó tính của người tiêu dùng. Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam rất lớn, khi các thị trường này đều là thị trường nhập khẩu chè lớn trên toàn cầu.
Theo nguồn worldstopexports.com, trong năm 2021 Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 thế giới sau Pakistan, đạt 531,8 triệu USD, chiếm 8,1% tổng trị giá nhập khẩu toàn thế giới; Ả rập Xê-út là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 trên thế giới, đạt 188,9 triệu USD, chiếm 2,9% tổng trị giá nhập khẩu toàn thế giới.
Nhiều thị trường triển vọng cho chè Việt
Ngoài các thị trường lớn như Pakistan, Hoa Kỳ, Ả rập Xê-út... chè Việt đang ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu chè của thị trường Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 11,6 nghìn tấn, trị giá 9,3 tỷ Yên (tương đương 67,4 triệu USD), giảm 15% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, do giá chè nhập khẩu bình quân tăng mạnh, đạt 801,7 nghìn Yên/tấn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Nhật Bản nhập khẩu chè nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, với lượng chiếm 42,4% tổng lượng chè nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022, đạt 4,9 nghìn tấn, trị giá đạt 3,2 tỷ Yên (tương đương 23,1 triệu USD), giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, do giá chè nhập khẩu bình quân tăng mạnh. Tiếp theo là thị trường Sri Lanka, Ấn Độ, Kenia...
Chè nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng chè Nhật Bản nhập khẩu, tuy nhiên lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2022, đạt 62 tấn, trị giá 49,5 triệu Yên (tương đương 360 nghìn USD), tăng 31,9% về lượng và tăng 38,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,5% tổng lượng chè nhập khẩu vào Nhật Bản.
Về chủng loại: Chè đen là chủng loại chính Nhật Bản nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022, trong đó, Trung Quốc và Sri Lanka là 2 thị trường cung cấp chủ yếu chủng loại chè đen cho Nhật Bản với lượng chiếm 59,2% tổng lượng chè đen nhập khẩu. Nhật Bản nhập khẩu chè đen từ Việt Nam tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong nửa đầu năm 2022, với tỷ trọng chiếm 0,1% tổng lượng chè đen nhập khẩu.
Nhật Bản nhập khẩu chè xanh với khối lượng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu chủng loại chè nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 1,5 nghìn tấn, trị giá 1,27 tỷ Yên (tương đương 9,2 triệu USD), giảm 9,5% về lượng, nhưng tăng 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp chè xanh lớn thứ 3 cho Nhật Bản, sau Trung Quốc và Úc. Lượng và trị giá chè xanh Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất mạnh, và lượng chiếm 3,2% trong tổng lượng chè xanh Nhật Bản nhập khẩu.
Với thị trường Hồng Kông, theo số liệu từ Cục điều tra dân số và thống kê Hồng Kông, nhập khẩu chè của thị trường Hồng Kông trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,7 nghìn tấn, trị giá 814,7 triệu HKD (tương đương 103,8 triệu USD), giảm 0,8% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè nhập khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 93,67 nghìn HKD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng chè lớn nhất cho thị trường Hồng Kông trong nửa đầu năm 2022, chiếm 61% tổng lượng chè nhập khẩu, đạt 5,3 nghìn tấn, trị giá 644,8 triệu HKD (tương đương 82,1 triệu USD), tăng 11% về lượng, nhưng giảm 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 121,4 nghìn HKD/tấn, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Sri Lanka đạt 1,9 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu HKD (tương đương 9,5 triệu USD), giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 38,6 nghìn HKD/ tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Sri Lanka chiếm 22,3% tổng lượng chè thị trường Hồng Kông nhập khẩu. Việt Nam chỉ cung cấp một lượng chè nhỏ cho thị trường Hồng Kông trong nửa đầu năm 2022, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm mạnh.
Chè là một loại đồ uống rất phổ biến và được người tiêu dùng tại thị trường Hồng Kông quan tâm. Theo nguồn worldstopexports.com, Hồng Kông là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2021, với trị giá chiếm 4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.
Thị trường Hồng Kông có nền kinh tế phát triển rất mạnh, GDP bình quân đầu người đạt tới 49.613 USD/người/ năm. Đặc biệt, sản xuất nông sản, thực phẩm tại Hồng Kông rất hạn chế và phải nhập khẩu. Do vậy, đây thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Xuất khẩu được chủng loại chè vào thị trường Hồng Kông, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi bởi đây là thị trường mở, phi thuế quan với hàng nhập khẩu, thủ tục xuất nhập khẩu thuận tiện, quãng đường vận chuyển ngắn.
Thị trường Hồng Kông có tính kết nối, do đó chủng loại chè của Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường Hồng Kông có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hồng Kông cần lưu ý, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồng Kông rất cao, hệ thống cảnh báo nhanh, công tác hậu kiểm và quy định về nhãn mác nghiêm ngặt. Do đó, doanh nghiệp phải rất cẩn trọng trong quy trình sản xuất, chế biến và áp dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm.
Về chủng loại: Chè đen và chè xanh là 2 chủng loại chính thị trường Hồng Kông nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, chè đen là chủng loại nhập khẩu nhiều nhất, đạt 5,85 nghìn tấn, trị giá 520,9 triệu HKD (tương đương 66,4 triệu USD), giảm 4,3% về lượng, nhưng tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 125,6 nghìn HKD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc và Sri Lanka là 2 thị trường cung cấp chính chủng loại chè đen cho thị trường Hồng Kông, chiếm 88,2% tổng lượng chè đen nhập khẩu.
Thị trường Hồng Kông nhập khẩu chủng loại chè xanh trong nửa đầu năm 2022 đạt 2,8 nghìn tấn, trị giá 292,7 triệu HKD (tương đương 37,3 triệu USD), tăng 7,2% về lượng nhưng giảm 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân chủng loại chè xanh đạt 103,1 nghìn HKD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho thị trường Hồng Kông, với lượng chiếm 73,4% tổng lượng chè xanh nhập khẩu. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Ba Lan...
Các cơ quan chức năng dự báo, nhu cầu chè sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022-2023, tạo cơ hội cho ngành sản xuất mặt hàng nông sản này của Việt Nam.
Nghiên cứu do Hiệp hội Chè Hoa Kỳ cho biết người tiêu dùng đã chuyển sang dùng chè trong những thời điểm khó khăn. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2022-2023 với nhận thức chè là một chất kích thích để giảm căng thẳng, cũng như mang lại cảm giác “tập trung” trong thời điểm lo lắng.
Hiệp hội này cũng dự đoán, năm 2022-2023, chè sẽ tiếp tục tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chè nguyên lá (chè đặc sản) đang tiếp tục gia tăng mức độ phổ biến đối với người tiêu dùng trên tất cả các đối tượng. Những người tiêu dùng đang tìm kiếm câu chuyện đằng sau các sản phẩm yêu thích của họ về lịch sử, địa lý và truyền thống.
Covid-19 tiếp tục làm nổi bật “sức mạnh của chè” trong việc tăng cường sức khỏe. Chè đen bắt đầu phổ biến hơn từ dưới bóng của hào quang của chè xanh với các đặc tính dành cho sức khỏe.
Để cạnh tranh được với các quốc gia khác, Việt Nam cần đa dạng về chủng loại chè, nâng cao chất lượng, mẫu mã, hàm lượng chế biến và tăng khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Các doanh nghiệp chè cần thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.