Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Yên Bái nâng cao thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu chè
04 | 07 | 2022
Xác định CHÈ là 1 trong 10 cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực tái cơ cấu ngành chè...

Theo Vinanet

Xác định CHÈ là 1 trong 10 cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực tái cơ cấu ngành chè theo hướng: Cải tạo và phát triển diện tích; đổi mới thiết bị, công nghệ; tập trung đầu tư thâm canh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đa dạng hoá sản phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; phát triển bền vững các mối quan hệ giữa trồng chè - chế biến - tiêu thụ sản phẩm để sớm đưa cây chè trở lại đúng với vị thế và tiềm năng vốn có.

Trên bản đồ thế giới, Việt Nam đứng thứ 5 về xuất khẩu chè và đứng thứ 7 về sản xuất chè. Sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất sang gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với xuất khẩu năm 2021 đạt 126.799 tấn, kim ngạch đạt 213,88 triệu USD. Sản phẩm chè của Yên Bái đã được xuất khẩu nhiều sang các thị trường tiêu thụ chính: Nga, Đức, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc…

Yên Bái có diện tích chè hơn 7.800 ha, có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây chè. Chè đặc sản Shan tuyết vùng cao có trên 1.700 ha tập trung tại huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải. Sản lượng chè búp tươi của tỉnh đạt khoảng 74.000 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 300 tỷ đồng. Chè Yên Bái được trồng trên địa bàn 8 huyện, thành phố (119 xã, phường, thị trấn), gồm nhiều giống chè khác nhau có thể sản xuất và chế biến được chè xanh chất lượng cao như Shan tuyết, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1, LDP2... tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Chấn; Yên Bình và Trấn Yên. Hầu hết các diện tích chè trên địa bàn tỉnh được trồng trên đất sườn đồi có độ dốc trung bình, đất bằng có thể chủ động tưới nước, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để sản xuất chè xanh chất lượng cao, an toàn đối với cộng đồng và thân thiện với môi trường.

Chè Shan tuyết Suối Giàng xếp hàng “đầu bảng” trong các loại chè

Sản phẩm chè của Yên Bái bao gồm: Chè đen, chè xanh, đặc biệt nhất là sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng - được thu hoạch, chế biến từ hơn 423ha chè Shan. Chè Shan được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Những búp chè săn chắc được phủ một lớp áo trắng mờ nên được gọi là chè tuyết. Chè Shan tuyết Suối Giàng rất độc đáo, trong bát nước chè xanh hội tụ đủ vị ngon hàng đầu của các loại chè đẳng cấp trên thế giới. Do là chè hữu cơ, nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sản lượng chè búp tươi đạt từ 400 - 500 tấn/năm. Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chè Suối Giàng; Sản phẩm chè Suối Giàng bao gồm: Hồng trà, Bạch trà; Tuyết Sơn Trà.

Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng sống trên dãy Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.300 -1.800 mét so với mặt biển, quanh năm được bao bọc bởi mây mù, cây có tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn 300 năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì, trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo. Những cây chè cổ thụ này được các nhà khoa học xác định đây là thủy tổ của cây chè trên thế giới. Theo khảo sát thì toàn xã hiện còn khoảng 40.000 cây chè shan tuyết như thế này mọc rải rác trên các triền núi cao, khe sâu và trong rừng, có những cây đã lên đến hàng cổ thụ, tức là từ khoảng 300-400 trăm năm tuổi. 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Nỗ lực phát triển ngành chè của tỉnh Yên Bái

Với chủ chương tăng cường chính sách hỗ trợ, cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực phục hồi cây chè trở thành 1 trong 10 cây trồng chủ lực trong thời gian tới. Mục tiêu trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng; tiếp tục làm tốt việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và sở hữu trí tuệ; đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè.

Để khôi phục lại diện tích trồng chè, lấy lại thương hiệu từ sản phẩm chè, tỉnh Yên Bái chủ trương tăng cường chính sách hỗ trợ; cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến; giảm tỷ trọng chè đen từ 85% xuống còn 65%; tăng tỷ trọng sản phẩm chè xanh từ 15% lên 35% và chè đặc sản. Mục tiêu diện tích chuyên canh tập trung sẽ tăng lên khoảng 5.000 ha; trong đó, diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đạt 1.500 ha. Đồng thời, phát triển mở rộng thêm khoảng 2.200 ha diện tích chè Shan đặc sản hữu cơ, đưa sản lượng chè Shan búp tươi đạt 7.000 tấn/năm.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 16/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 69/NQ-HĐND về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, quy hoạch và cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến; ổn định diện tích chè khoảng 7.400 ha, phấn đấu năng suất đạt 98 - 100 tạ/ha, sản lượng đạt 68.000 tấn. Chính sách hỗ trợ phát triển ngành chè được cụ thể hóa, theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Để đạt mục tiêu, ngành chè đề ra một số biện pháp chủ yếu, trong đó tập trung xây dựng và quản lý vùng nguyên liệu chè; hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè búp tươi; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập của người làm chè; rà soát đánh giá năng lực sản xuất của các đơn vị chế biến từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả; đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất…

Để nâng cao hiệu quả sản xuất chè, các huyện, thị xã, thành phố cần điều tra đánh giá lại diện tích chè hiện có; từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với quy hoạch sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống tiến bộ, kỹ thuật có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hình thành các vùng nguyên liệu tập trung tại các địa phương và liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn. Việc tổ chức trồng cải tạo, chuyển đổi giống, cần được quy hoạch thành các vùng tập trung. Ưu tiên sử dụng các giống chè để chế biến chè xanh chất lượng cao, phù hợp với địa phương như: chè Shan, Bát Tiên, Kim Tuyên, LDP1, LDP2 hoặc các giống tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Dự án trồng chè có quy mô từ 50 ha trở lên sẽ được tỉnh Yên Bái hỗ trợ lên tới 3 tỷ đồng/dự án nếu triển khai tại vùng cao và 2,5 tỷ đồng/dự án triển khai tại vùng thấp. Nội dung hỗ trợ bao gồm từ khâu đánh giá xác định vùng nguyên liệu, hỗ trợ mua cây giống, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng bảo quản, chế biến chè đến khâu thiết kế mẫu mã, nhãn mác, chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Bằng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phát triển, sự năng động sáng tạo, sự liên doanh liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nông dân, sản xuất, tin rằng cây chè của tỉnh Yên Bái sẽ sỡm trở lại đúng với vị thế và tiềm năng vốn có, mang lại thu nhập cao, bền vững cho người dân vùng chè.



Báo cáo phân tích thị trường