Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hướng đi mới cho chè Cây Thị
21 | 06 | 2022
Nếu như trước đây, người dân xóm Cây Thị, xã La Hiên (Võ Nhai) trồng chè tự phát và làm theo kinh nghiệm thì nay, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, chế biến, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng vừa tạo đà cho cây chè phát triển bền vững. Đặc biệt, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang là hướng đi của nông dân Cây Thị nhằm tạo dựng thương hiệu trên thị trường.

Theo Báo Thái Nguyên

Ông Lương Văn Hơn, Bí thư Chi bộ xóm Cây Thị, cho biết: Cây chè xuất hiện trên mảnh đất này từ những năm 1970. Nhưng phải mất hàng chục năm sau, người dân mới nhận thấy đây là trồng mang lại thu nhập khá cao nên diện tích chè của xóm mới tăng lên trên 12ha (năm 1989). Lúc này, việc chăm sóc và chế biến sản phẩm chè đã được cải tiến, giá trị chè tiêu thụ được nâng lên đáng kể. Đặc biệt từ năm 2000, khi Cây Thị có điện lưới Quốc gia, người dân trong xóm đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng máy tôn quay, máy vò chè… dần thay thế cho lao động chân tay; đưa các giống chè lai, chè cành năng suất cao vào trồng. Đến nay, diện tích chè của xóm là 44ha, trong đó trên 20ha là các giống chè cành, chè lai; năng suất trung bình đạt khoảng 2,8 tấn chè búp khô/ha/năm. Cả xóm Cây Thị hiện có đến trên 60% hộ làm nghề chè.

Để tiến tới sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu chè của địa phương, năm 2017, 9 hộ dân trong xóm đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Vạn Phúc. Năm 2019, HTX đã vận động các thành viên thực hiện trồng và chế biến chè theo quy trình VietGAP. Sau 2 năm triển khai, HTX đã phát triển lên 34 hộ thành viên, 10ha chè của các thành viên đã được ngành chức năng công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Nói về kết quả này, anh Ma Văn Toàn, Trưởng xóm Cây Thị, Giám đốc HTX Vạn Phúc, cho hay: Khi xác định được hướng đi, xóm đã liên hệ với xã và ngành chức năng của huyện để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân và các thành viên. Cùng với đó, HTX cũng triển khai phương án hỗ trợ chi phí mua phân bón hữu cơ, thuốc sinh học trả chậm và cam kết bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm cho các thành viên, người dân có nhu cầu…

Là một trong những hộ mạnh dạn sản xuất chè theo quy trình VietGAP, chị Lương Hồng Duyên, chia sẻ: Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn, năng suất, sản lượng chè lại thấp hơn những năm trước đó. Tuy nhiên, được cán bộ địa phương, các thành viên HTX tận tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, tôi vẫn kiên trì áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Dần dần, cây chè sinh trưởng tốt, chất lượng đảm bảo hơn, các thương lái đến tận nơi thu mua với giá bao tiêu tại vườn cao hơn từ 20-30 nghìn đồng/kg so với chè trồng theo phương pháp truyền thống. Hiện nhà tôi đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trên toàn bộ 10 sào chè lai. Năm vừa qua, cây chè đem về cho gia đình tôi 80-90 triệu đồng tiền lãi.

Không riêng gia đình chị Duyên, nghề trồng, chế biến chè ở Cây Thị đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập cho các hộ dân, đạt từ 60-70 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ cây chè, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, số hộ nghèo trong xóm hiện chỉ chiếm khoảng 2%; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt trên 80%...

Qua hàng chục năm gắn bó, gìn giữ và phát triển cây chè, cuối năm 2021, nhân dân xóm Cây Thị đón nhận thêm niềm vui khi được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè, trở thành làng nghề chè thứ hai được công nhận tại xã La Hiên. Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là nguồn động lực lớn cho người dân nơi đây thêm gắn bó, phát triển cây chè.

Trưởng Làng nghề chè xóm Cây Thị Ma Văn Toàn chia sẻ thêm: Người dân địa phương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, không chỉ tăng diện tích chè VietGAP mà còn tạo ra sản phẩm có thương hiệu riêng, đứng vững trên thị trường.



Báo cáo phân tích thị trường