Theo Báo Thái Nguyên
Nói chuyện về cây chè ở xóm, anh Hoàng Văn Sì, Trưởng xóm Phú Thọ chia sẻ: Trước đây, bà con trồng chè chủ yếu để phục vụ cho gia đình nên diện tích chỉ có tầm hơn 2ha. Khoảng hơn 10 năm nay, nhận thấy người dân ở các xóm khác trồng chè mang lại thu nhập cao hơn so với một số loại cây trồng khác nên bà con cũng chuyển dần những diện đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, cả xóm có hơn 20ha chè kinh doanh, năng suất đạt 95 tạ/ha, sản lượng đạt trên 190 tấn.
Tuy nhiên, theo anh Sì thì do nhận thức cũng như thói quen, người dân trong xóm thường lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong sản xuất chè. Vỏ thuốc bảo vệ thực vật được vứt bừa bãi quanh những nương chè, suối, khe nước.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống cũng như sức khỏe của chính người trồng chè. Mặc dù xóm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho người dân về hậu quả của việc sử dụng các loại thuốc hóa học nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm.
Với quyết tâm thay đổi thói quen của người dân, anh Sì đã cùng với anh Hoàng Văn Tuấn (một người dân trong xóm từng học đại học chuyên ngành Trồng trọt) chuyển sang mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ.
Anh Tuấn chia sẻ: Với những kiến thức đã được học trong trường đại học và qua tìm hiểu thực tế, tôi cùng với anh Sì cải tạo gần 1ha đất để trồng chè mới, đồng thời ủ phân chuồng, phân xanh để bón cho chè, sử dụng thêm phân bón hữu cơ vi sinh và các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Chúng tôi cũng đầu tư mua máy sao, vò chè về để chế biến chè khô. Sản phẩm làm ra được thương lái cũng như người sử dụng đánh giá cao. Trung bình mỗi kilogam chè búp khô có giá bán cao hơn so với trước từ 20-30 nghìn đồng.
Từ việc đi đầu của anh Sì, anh Tuấn mà nhiều hộ dân khác trong xóm đã học và làm theo. Đến nay, có thêm 5 hộ chuyển hẳn sang trồng chè theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 3ha, một số hộ dân khác cũng đang chuyển dần diện tích.
Anh Hoàng Văn Dùng, một người dân trong xóm, cho hay: Tôi đã chuyển 3/6 sào chè của gia đình sang trồng theo hướng hữu cơ. Thay vì phun thuốc diệt cỏ như trước đây, tôi đã sử dụng rơm, rạ, lá cây phủ vào giữa các luống chè, đồng thời tận dụng phân chuồng từ chăn nuôi trâu, bò, lợn để bón cho chè và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Trong quá trình sản xuất, tôi nhận được sự hướng dẫn tận tình của anh Sì.
Nhằm hỗ trợ người trồng chè ở xóm Phú Thọ, thời gian qua, chính quyền xã Phú Đô đã tích cực vận dụng các chính sách để hỗ trợ người dân đưa những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng như: Chè lai F1, TRI 777… Đặc biệt, tháng 2-2022 xã đã tạo mọi điều kiện để 7 hộ dân trồng chè theo hướng hữu cơ thành lập Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô tại xóm.
Ông Phạm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, cho biết: Việc thành lập Hợp tác xã giúp người trồng chè liên kết với nhau, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con trong sản xuất chè, hạn chế tình trạng sử dụng các loại thuốc hóa học, hình thành vùng sản xuất chè an toàn.