Theo Báo Thái Nguyên
Đại Từ là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh. Hiện toàn huyện có trên 6.433ha trồng chè. Trong đó, diện tích chè giống mới là 5.126ha, chiếm 79,7% diện tích, sản lượng chè búp tươi đạt 70.747 tấn/năm.
Những năm gần đây, người dân Đại Từ đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Trong đó, tập trung đưa các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh, đồng thời áp dụng biện pháp thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ.
Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tuất Thoi, ở xã Phú Xuyên, cho biết: Khi bắt tay vào sản xuất chè hữu cơ, nhiều xã viên còn e ngại vì lo năng suất sẽ bị sụt giảm. Tuy nhiên, sau quá trình thực hiện đã chứng minh điều ngược lại. Năng suất chè của HTX được nâng lên đáng kể, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo. Vì thế, bà con đã hoàn toàn tin tưởng và thực hiện đúng quy trình sản xuất hữu cơ.
Cùng với nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, nông dân Đại Từ còn chú trọng xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của mình. Đến nay, huyện có 13 doanh nghiệp và 6 HTX đã đăng ký mã vạch, tem truy nguồn gốc đối với sản phẩm chè; 4 doanh nghiệp và 11 HTX có logo, bao bì nhãn mác (gồm bộ hộp, túi đựng sản phẩm) được thiết kế riêng cho đơn vị; 1 doanh nghiệp và 5 HTX xây dựng được website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Đặc biệt, mới đây, Hội Chè Đại Từ ra đời với 80 thành viên tham gia, bao gồm các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chè và những tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến ngành Chè trên địa bàn huyện. Việc thành lập Hội chè Đại Từ nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên; thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ nhằm giúp các đơn vị hội viên cùng phát triển; tạo sự bình đẳng giữa hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ, phát triển thương hiệu chè Đại Từ.
Bằng các hoạt động thiết thực, Hội Chè Đại Từ là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất chè, thúc đẩy các quan hệ hợp tác. Hiện tại, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được các chuỗi liên kết từ hộ nông dân, HTX, cửa hàng trưng bày, đến điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả và mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Tiêu biểu như HTX Chè La Bằng có trên 50 hội viên liên kết, chuyên cung cấp chè nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, chế biến chè thành phẩm. Để xây dựng thương hiệu cho HTX, tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn, chất lượng, HTX Chè La Bằng đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các thành viên tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn hữu cơ… Ngoài ra, HTX còn bao tiêu sản phẩm chè búp tươi đáp ứng được các tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP của các tổ hợp tác trên địa bàn và vùng lân cận.
Tương tự, HTX chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh, cũng thành lập nhờ sự liên kết thành viên và các hộ trồng chè tại địa phương. Qua đó, tạo ra sức mạnh về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn lao động. Đến nay, ngoài việc xây dựng được nhà xưởng, trang bị máy móc, thiết bị, phát triển bao bì, đóng gói... HTX đã thực hiện mô hình sản xuất chè khép kín, từ sản xuất nguyên liệu đầu vào, đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thể khẳng định, việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp giúp sản phẩm chè của Đại Từ chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Hiện, huyện Đại Từ đã có 19 sản phẩm chè được xếp hạng OCOP, trong đó 14 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao; 100% là sản phẩm của các mô hình kinh tế tập thể, chủ yếu là các HTX.
Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, khẳng định: Đây đều là những sản phẩm được hoàn thiện về chất lượng, đầu tư về mọi mặt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, ngoài việc hỗ trợ người dân về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, để nâng cao năng suất, chất lượng chè, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tiếp tục thu hút sự hợp tác trong các chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn.