Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mùa chè xuân trên núi cao Thổ Bình
23 | 02 | 2022
Chè Shan Khau Mút ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) là một trong những giống chè cho chất lượng trà thơm ngon số một ở Tuyên Quang.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Tháng 2 dương lịch, cũng là dịp cây chè Shan Khau Mút ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) vào vụ thu hoạch chè xuân đầu tiên trong năm. Tuy đây không phải là vụ chè cho năng suất cao nhất trong năm, nhưng lại là mùa cây chè cho chất lượng ngon nhất.

 

Tháng 2 dương lịch, mùa chè xuân ở xã Thổ Bình bắt đầu vào vụ. Ảnh: Phúc Hưng.

Tháng 2 dương lịch, mùa chè xuân ở xã Thổ Bình bắt đầu vào vụ. Ảnh: Phúc Hưng.

Hiện nay, toàn xã Thổ Bình có 257,2 ha chè Shan Khau Mút, tập trung ở các thôn Bản Phú và thôn Bản Pước, Vạt Áng, Nà Cọn với trên 210 hộ gia đình tham gia trồng chè. Trong số hơn 250ha chè Shan Khau Mút thì có đến 25ha là cây chè Shan cổ thụ trên 100 tuổi được trồng từ xa xưa. Chè trồng trên độ cao 700 - 1.000m so với mực nước biển, với mật độ bình quân 2.500 cây/ha. Ở trên núi cao quanh năm mát mẻ, có sương phủ nên búp chè có tuyết, hương thơm dịu, ngọt hậu.

Cây chè Shan Khau Mút cho năng suất cao nhất vào dịp tháng 5 và tháng 6 dương lịch bởi đây là giai đoạn thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho cây chè phát triển. Vụ chè này, người dân xã Thổ Bình sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn chè khô. Vụ chè xuân cho năng suất, sản lượng thấp nhất trong năm, chỉ đạt khoảng 3 tạ chè khô/vụ.

Gia đình ông Phùng Vinh Quân, thôn Bản Cước có khoảng hơn 50 gốc chè Khau Mút, các gốc chè trồng được hơn 50 năm vẫn phát triển tốt và cho thu hoạch đều. Hương chè trồng tại nhà cũng không khác chè được hái ở trên rừng là bao. Mỗi kg chè khô thành phẩm ông bán với giá từ 160 - 180 nghìn đồng, nhờ vậy mà gia đình ông có nguồn thu ổn định phục vụ cuộc sống. 

Gia đình ông Trương Phúc Nam, thôn Bản Thu có 4ha chè trồng từ năm 2007. Đến nay nhiều cây đường vanh thân lên đến 20cm và đều đã cho thu hoạch. Mỗi vụ chè, rừng chè cho gia đình ông thu hoạch khoảng 2 tạ chè khô, riêng vụ chè xuân năng suất thấp hơn, khoảng gần 1 tạ.

Ông Nam cho biết, hiện một số diện tích chè của gia đình đã cho thu hoạch vụ chè xuân nhưng chưa nhiều. Khoảng nửa tháng nữa, khi thời tiết ấm lên chắc chắn sẽ cho năng suất cao hơn. Chè xuân tuy năng suất thấp nhưng lại được giá và dễ tiêu thụ nhất so với các vụ trong năm. Dù mới vào vụ thu hái, nhưng nhiều khách quen ở Thành phố Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận đã đặt hàng trước, với giá đạt 180.000 đến 200.000/kg.

Những cây chè Shan Khau Mút cổ ở xã Thổ Bình có chiều cao trùng bình từ 3 đến 4m, mỗi lần hái người dân phải trèo lên tận ngọn. Và với quãng đường vận chuyển khó khăn, mỗi người chỉ có thể gùi khoảng 10 cân chè tươi mỗi chuyến. Sau khi vận chuyển chè xuống đến nơi, chè phải được sao ngay để giữ nguyên độ tươi.

 

Chè Shan Khau Mút là một trong những loại chè có chất lượng thơm ngon nhất ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Chè Shan Khau Mút là một trong những loại chè có chất lượng thơm ngon nhất ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Chè được sao qua, sau đó hong dưới nắng và sương đêm một ngày một đêm cho thấm hết những tinh túy của trời đất rồi mới đem đi sao lần 2, sau đó được vò kỹ và sao lần 3 cho khô hẳn. Mỗi một đợt thu hoạch, các công đoạn đều được làm gối nhau, gia đình nào đông người thì thay nhau đi hái chè và chế biến sẽ làm được khoảng hơn 10 kg chè khô, gia đình ít người làm được khoảng 4 - 5 kg.

Trước đây, chè Khau Mút ở xã Thổ Bình dù cho chất lượng thơm ngon nhưng chủ yếu tiêu thụ trong dân và ít người biết đến. Tuy nhiên, từ ngày xã thành lập 2 HTX gồm HTX Đồng Tiến, HTX Phúc Hưng chuyên thu mua, chế biến và giới thiệu sản phẩm chè, việc tiêu thụ chè Shan Khau Mút cũng thuận lợi hơn.

Hiện nay, các HTX thu gom chè búp tươi của người dân có thời điểm công suất chế biến lên tới 200 - 300 kg nguyên liệu/ngày. Mỗi năm các HTX sản xuất và tiêu thụ gần 4,5 tấn chè khô bán ra thị trường. Nhãn hiệu chè Shan Khau Mút cũng đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, có chứng nhận sử dụng mã vạch và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết, ngoài các diện tích chè cổ đã có từ trước đó, để mở rộng phát triển vùng chè Shan Khau Mút, chính quyền xã Thổ Bình đã 2 lần phát triển nhân rộng giống chè này trên các cánh rừng nơi đây.

Đó là vào những năm 2007 - 2008 đã trồng được 92 ha; từ năm 2008 - 2010 trồng được 147,6 ha. Hiện nay, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Lâm Bình quản lý, thực hiện ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với thôn bản, hộ dân xã Thổ Bình và được thu hái sản phẩm chè.

Chè Shan Khau Mút bước đầu có thương hiệu và cho giá trị kinh tế, tuy nhiên để phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc sản và nâng cao đời sống cho người dân thì còn nhiều việc cần phải làm, và cần có sự chung tay vào cuộc của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

 



Báo cáo phân tích thị trường