Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thâm canh chè an toàn để nâng cao sức cạnh tranh
02 | 10 | 2007
Đó là nội dung chủ yếu được đưa ra trong hội nghị "Thâm canh chè an toàn các tỉnh miền núi phía Bắc" do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Việt Trì (Phú Thọ) ngày 13/10. Bên cạnh việc đánh giá hiện trạng sản xuất chè các tỉnh miền núi phía Bắc và phương hướng phát triển giai đoạn 2006-2010, hội nghị còn nghiên cứu và đưa ra các giải pháp kỹ thật để sản xuất chè an toàn và nâng cao chất lượng chè xuất khẩu đồng thời dự báo về triển vọng thị trường chè xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Đỗ Văn Ngọc, Viện khoa học kĩ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nhấn mạnh: "Nói đến thâm canh không chỉ chú ý đến năng suất, chất lượng búp chè mà đi liền với nó cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm". Các tỉnh miền núi phía Bắc do có nhiều lợi thế về đất đai khí hậu nên là vùng chè lâu đời nhất và diện tích lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì hệ thống cơ sở chế biến chè phát triển không cân đối với nguồn nguyên liệu nên việc kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chè kể cả đầu vào và đầu ra chưa được thường xuyên và chặt chẽ, chất lượng chè thành phẩm không ổn định làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mục tiêu phát triển chè các tỉnh miền núi phía Bắc đến năm 2010 là ổn định diện tích chè toàn khu vực khoảng 93-95 nghìn ha, trong đó diện tích chè sản xuất theo quy trình an toàn đạt 80% trở lên, đổi mới công nghệ thiết bị chế biến đa dạng hoá sản phẩm và tăng giá trị của chè chế biến, tăng giá bán chè bình quân khoảng 20-30% so với năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 130-150 triệu USD vào năm 2010. Để đạt được các mục tiêu đó, hội nghị đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như: không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho các diện tích chè chất lượng cao và chè hữu cơ, rà soát và quy hoạch các vùng chè theo mục tiêu sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu giống chè bằng cách mở rộng các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng kể cả trồng mới và trồng thay thế giống cũ theo phương thức cuốn chiếu; áp dụng các biện pháp canh tác tiến bộ đối với từng loại chè như chè trồng mới, trồng thay thế, chè kinh doanh..., áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để tăng năng suất và chất lượng chè./.

(Nguồn tin: TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường