Đây là nghiên cứu đầu tiên của Phú Thọ về cây chè Shan tuyết cổ, có tính khả thi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là sản phẩm chè cổ, bạch trà.
Cây chè Shan tuyết ưa sống tại những vùng núi cao, trung bình 600m so mực nước biển, vùng tiểu khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều sương mù. Vườn Quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích hơn 15.000ha.
Cây chè Shan tuyết là một loài chè cổ điển hình, phân bổ tự nhiên trong rừng với số lượng hàng nghìn cây. Cây chè Shan tuyết được đồng bào người Dao, Mường nhân giống, gây trồng khi di cư đến sinh sống tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Đến nay, nhiều cây có đường kính 40-50cm, chiều cao 15-20m.
Đặc biệt, chè Shan tuyết có búp to phủ lông tơ trắng; sau khi hái, chè được sao khô có màu trắng rất riêng; hương vị chè thơm ngát, vị thanh ngọt, đậm đà. Cây chè Shan tuyết tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn hội tụ đầy đủ những đặc điểm này.
Ngoài chất liệu tự nhiên, điều kiện thổ nhưỡng, với độ cao 700-1200m so mực nước biển, khí hậu quanh năm sương mù, độ ẩm cao cũng tạo cho chè Shan tuyết Xuân Sơn đặc trưng riêng như búp chè non nhiều lông tuyết, mập, căng tràn nhựa, bề mặt phủ lớp lông sáng bạc; hàm lượng chất tanin, khoáng chất cao nên vị chè thơm, ngon.
Đây cũng là những “phẩm chất” quý nhất của bạch trà (một sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao được chế biến từ chè Shan tuyết cổ).
Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Tạ Văn Long khẳng định: Chè và sản phẩm từ cây chè Shan tuyết Vườn Quốc gia Xuân Sơn có giá trị, lợi thế cạnh tranh cao. Vườn Quốc gia Xuân Sơn cũng là vùng duy nhất tại tỉnh Phú Thọ phân bổ giống chè cổ Shan tuyết. Tuy nhiên, việc phát triển giống chè này có nhiều khó khăn, hạn chế: chủ yếu thu hái tự nhiên, không được người dân chú ý chăm sóc, tạo tán.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, khai thác sản phẩm từ cây chè chưa được quan tâm. Sản xuất, chế biến các sản phẩm chè Shan tuyết còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, đường xa, khó khăn đi lại, tập quán sản xuất lạc hậu; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm hạn chế nên việc khai thác, thu hút đầu tư vào chè Shan tuyết Xuân Sơn gặp không ít khó khăn.
“Từ thực tế đó, để chiến lược phát triển Vườn Quốc gia Xuân Sơn trở thành một điểm du lịch quốc gia nổi tiếng, việc có một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương là điều cấp thiết. Vườn Quốc gia Xuân Sơn thực hiện điều tra, đánh giá thực trạng, đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nhằm mục đích quản lý, bảo tồn số chè Shan tuyết đặc trưng hiện có.
Đồng thời, duy trì tính đa dạng sinh học, thử nghiệm biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác, chế biến chè Shan tuyết để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, từng bước khai thác phát huy giá trị, hiệu quả kinh tế của giống chè quý, đặc sản của tỉnh, góp phần xây dựng thương hiệu chè cổ Shan tuyết Phú thọ”, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Tạ Văn Long nói.
Ông Long cho biết thêm, việc khảo sát, đánh giá, điều tra chè cổ Shan tuyết được triển khai tại các xóm Dù, Cỏi, Lạng, Lùng Mằng với khoảng 600 cây (100 cây chè cổ thụ trong tự nhiên và 500 cây chè trồng từ 5-15 tuổi). Công tác nghiên cứu, xây dựng mô hình, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và khai thác chè Shan tuyết cổ được áp dụng theo hướng hữu cơ.
|
Những cây chè Shan Tuyết cổ thụ một người ôm không xuể, có tán đẹp được lựa chọn, đề nghị là cây di sản (Ảnh: Hưng Yên).
|
Từ kết quả thực hiện, sẽ triển khai bàn giao cho chính quyền địa phương và chủ hộ quản lý, phát triển thành cây chè, vườn chè Shan tuyết; tuyển chọn, công nhận 10-20 cây chè Shan tuyết cổ thụ là cây trội, đầu dòng.
Các sản phẩm được sản xuất từ cây chè Shan tuyết tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn - hứa hẹn là sản phẩm đặc trưng của địa phương, làm cơ sở để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết cổ thụ Vườn Quốc gia Xuân Sơn; lựa chọn những cây cổ thụ có tán đẹp đề nghị là cây di sản để phát triển gắn với du lịch sinh thái.
Giám đốc Tạ Văn Long tâm đắc: “Với những cây chè cổ thụ to đến 2 người ôm, cành chè đường kính tới 20cm, địa y, rêu phong dày từ gốc, búp chè to, trắng, lông tơ phủ dày, có thể khẳng định, vùng chè cổ thụ Shan tuyết Vườn Quốc Gia Xuân Sơn là đặc biệt quý, hiếm.
Để bảo tồn, phát triển bền vững chè Shan tuyết cổ thụ, Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tổ chức chuyển giao công nghệ có đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về quy trình bảo tồn tại các vườn chè của mình, theo phương châm kết hợp hướng dẫn lý thuyết và chỉ dẫn các thao tác kỹ thuật ngay trên thực địa.
Sẽ có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè Shan tuyết trên các mô hình mẫu; tập huấn qua tài liệu và hướng dẫn các thao tác kỹ thuật trong quy trình chế biến chè xanh chất lượng cao.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn phối hợp cùng các xã của huyện Tân Sơn, xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng những kỹ thuật sản xuất mới để mở rộng vùng sản xuất chè và quảng bá sản phẩm, gắn với du lịch sinh thái, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, giúp đồng bào nơi đây có thu nhập cao hơn từ cây chè, từ đó giảm sức ép với rừng và ổn định đời sống người dân.
Đơn vị cũng phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu búp tươi cho người đồng bào dân tộc vùng cao.
Đồng thời, các doanh nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tân Sơn xây dựng kế hoạch chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết ra thị trường, thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại đầu tư tại tỉnh, từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu chè Shan tuyết Vườn quốc gia Xuân Sơn...".
Vùng chè cổ thụ Shan tuyết vô cùng quý hiếm, được phân bổ tự nhiên, đã bị lãng quên suốt thời gian dài, nghe như truyện cổ tích giữa thời kinh tế thị trường? Hy vọng, chè Shan tuyết Vườn Quốc gia Xuân Sơn sớm được các cơ quan chức năng quan tâm, có kế hoạch, chiến lược nhằm bảo tồn, thu hút đầu tư sản xuất, khai thác, chế biến để phát triển thành thương hiệu chè nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ.