Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Yên Bái: Tình hình sản xuất kinh doanh, chế biến chè năm 2006
23 | 07 | 2007
Năm 2006, Tỉnh Yên Bái có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích phát triển chè: như chính sách hỗ trợ trồng và cải tạo diện tích chè chất lượng kém ở vùng thấp, hỗ trợ trồng chè ở vùng cao, khuyến khích các đơn vị đổi mới thiết bị công nghệ chế biến, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Cây chè là một cây truyền thống, một cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp đã và đang giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động của Tỉnh Yên Bái. Với các chính sách tích cực năm 2006 tổng diện tích chè toàn tỉnh đã đạt 12.391 ha, sản lượng chè búp tươi năm đạt trên 65.000 tấn đạt kế hoạch và tăng 5.000 tấn so với năm 2005, năng xuất bình quân đạt 59 tạ/ha tăng 0,7 tạ/ha so với năm 2005 sản phẩm chế biến được 14.200 tấn chè khô các loại tăng 7,8% so với năm 2005, sản phẩm chế biến ra đã tiêu thụ gần hết.

Bằng giống chè nhập nội, giống chè shan giâm cành, giống chè lai LDP trong năm qua đã trồng mới, trồng cải tạo thay thế diện tích chè cũ và trồng dặm được 635 ha vượt 13% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cây chè từng bước góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, giải quyết nguyên liệu cho các cơ sở chế biến của Tỉnh. Tổng giá trị thu nhập từ cây chè năm 2006 ước đạt từ 130 - 150 tỷ đồng, các cơ sở chế biến đã nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

 
Bên cạnh những kết quả nêu trên việc sản xuất chế biến kinh doanh chè vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại yếu kém, nhiều diện tích chè đã được trồng lâu năm, già cỗi, mật độ thưa. Quá trình trồng mới cải tạo còn nhiều lúng túng, diện tích chè chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, trình độ thâm canh lạc hậu chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chăm sóc thu hái chè búp tươi dẫn đến năng xuất chè đạt thấp. Thiết bị chế biến chè cũ lạc hậu sản phẩm chè của các doanh nghiệp đơn điệu chủ yếu là chè đen chưa qua tinh chế, chưa phong phú về chủng loại mẫu mã và chưa xây dựng được chiến lược về sản phẩm chè. Không những thế chất lượng chè còn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, nguyên nhân chủ yếu là do số lượng cơ sở chế biến quá nhiều, công suất chế biến chè tăng nhanh trong khi vùng nguyên liệu không tăng tương ứng nên xảy ra tình trạng tranh mua giữa các doanh nghiệp, dẫn đến sản phẩm chè búp tươi thu mua không đúng phẩm cấp, làm giảm chất lượng chè búp tươi đẩy giá lên làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng tới chất lượng phẩm cấp chè chế biến.
 
Để nuôi trồng kinh doanh chế biến chè phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng kết quả đầu tư năm 2007 cần chăm sóc tốt diện tích chè hiện có, phấn đấu đưa năng xuất đạt trên 63,5 tạ/ha đưa sản lượng chè búp tươi đạt trên 68.000 tấn, chế biến trên 15.000 tấn chè khô các loại, trồng mới 250 ha (Giống nhập nội 190 ha, giống chè Shan giâm cành 60 ha) trồng cải tạo thay thế chè cũ 375 ha. Đồng thời sắp xếp và tổ chức lại sản xuất chế biến chè theo quy hoạch vùng nguyên liệu, lấy đổi mới thiết bị chế biến làm khâu đột phá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chế biến cho phù hợp với nhu cầu sản phẩm chè trên thị trường. Mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu chè như hỗ trợ kinh phí tìm thị trường, hỗ trợ quảng bá trên các phương tiện thông tin, cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp, xây dựng trang Web về sản xuất chề biến kinh doanh chè tiến tới xây dựng sàn giao dịch chè tại Tỉnh.
 
Sản xuất kinh doanh chế biến chè năm 2007 đang đứng trước những cơ hội  và thách thức nhưng với những thuận lợi cơ hội mới và sự nỗ lực của hàng vạn hộ nông dân, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến chè, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND Tỉnh và sự phối hợp giúp đỡ của các ngành các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến chè sẽ tiếp tục thu được nhiều thắng lợi, góp phần quan trọng và tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của Tỉnh.

 



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường