Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chè Shan tuyết trở thành cây trồng chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số
30 | 04 | 2022
Sau gần 20 năm chăm sóc, những đồi chè Shan tuyết ở các xã Huồi Tụ, Mường Lồng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An đã dần phủ xanh những ngọn đồi trọc.

Theo Báo Tin tức

Điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với giá đầu ra ổn định đã đưa cây chè Shan tuyết trở thành cây trồng chủ lực và là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm đồng bào dân tộc Mông ở huyện miền núi, biên giới khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An.

Năm 2003, cây chè Shan tuyết được Tổng đội Thanh niên xung phong 8 lấy giống từ tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang đưa về trồng tại hai xã Mường Lống và Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Đây là cây trồng mới nên ban đầu cây chè Shan tuyết phải đối mặt với nhiều hoài nghi về tính hiệu quả, nhưng với khát vọng vươn lên bà con đã mạnh dạn trong hàng trăm ha, đến nay trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Ông Dềnh Vả Hùa, bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, trước đây đồng bào dân tộc Mông chỉ trồng cây thuốc phiện, từ khi nhà nước cấm thì bà con đã chuyển sang trồng ngô, lúa nương nhưng năng suất thấp. Năm 2003, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 đưa giống chè Shan tuyết về trồng và chỉ sau 5 năm những búp chè xanh đầu tiên đã được thu hoạch.  

Nói “chè Shan tuyết là cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Mông” là bởi người Mông đều sinh sống trên những ngọn đồi cao, khí hậu khắc nghiệt nên việc lựa chọn cây trồng phù hợp là rất khó khăn. Thế nhưng, nhờ trồng cây chè Shan tuyết mà cuộc sống người Mông thay đổi. Hiện trong bản 100% gia đình đều trồng chè, nếu không có cây chè chắc bà con nơi đây sẽ nghèo đói mãi.

Bà Vừ Y Sềnh bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn có kinh nghiệm chăm vườn chè Shan tuyết gần 20 năm. Bà Sềnh cho biết, chè Shan tuyết không thích ánh nắng trực tiếp của mặt trời mà ưa sự mát mẻ nên bà con phải trồng thêm cây pơ mu để tạo bóng mát nhờ đó các đồi trọc cũng được phủ xanh. Trước đây, do giá chè thấp chỉ khoảng 5.000 đồng/kg chè búp tươi, nhiều hộ có ý định phá bỏ. Thế nhưng, những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, thương lái về thu mua tận nhà nên bà con rất vui, yên tâm sản xuất. Với giá 10.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1ha chè bà thu về gần 60 triệu đồng/năm. Đối với đồng bào dân tộc Mông trên này, đây là số tiền rất lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Nhờ được trồng ở những nơi có độ cao từ 1200-1.500m so với mực nước biển, lại có khí hậu mát mẻ nên chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn có búp to, được các thương lái đánh giá chất lượng rất cao.

Chú thích ảnh
Do quy mô còn nhỏ nên hiện chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn (Nghệ An) mới chỉ được các đơn vị thu mua, chế biến thô khiến giá thành chưa tương xứng. 

Bà Đặng Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất chè hữu cơ xã Huồi Tụ cho biết, hiện hợp tác xã chưa có dây chuyền chế biến thành phẩm mà chỉ sơ chế rồi bán cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, chè Shan tuyết Huồi Tụ đã được khách hàng đánh giá chất lượng rất cao. Hiện tất cả chè đã qua sơ chế của đơn vị đã được một công ty ở Hà Nội bao tiêu. Hi vọng thời gian tới, địa phương sẽ kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, qua đó giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Hả Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện xã có trên 400 ha chè Shan tuyết; trong đó, hơn 200 ha đang cho thu hoạch. Với giá ổn định từ 9.000 - 10.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi ha chè cho thu nhập gần 50 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nhờ trồng chè mà nhiều người dân đã có công việc ổn định góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích, đồng thời, phấn đấu đưa chè Shan tuyết trở thành sản phẩm OCOP ngay trong năm 2022.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện Kỳ Sơn đã thông qua đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, cây chè Shan Tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Bên cạnh việc tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến để người dân, huyện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình ra các xã có điều kiện tự nhiên phù hợp như xã Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ.

Phấn đấu, mỗi năm trồng mới từ 50 – 70 ha chè chất lượng cao. Đồng thời, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, phấn đấu sản lượng tối thiểu từ 1.000 tấn chè búp tươi trở lên mỗi năm, có như vậy mới có thể kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy ngay tại Kỳ Sơn.



Báo cáo phân tích thị trường