Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng nhiều loại trái cây, rau củ giảm mạnh
16 | 09 | 2024
Thời tiết bất lợi khiến sản lượng các loại nông sản như thanh long, xoài và rau củ giảm mạnh, dự báo giá có thể tăng cao những tháng cuối năm.

Nguồn: Vnexpress.net

Ông Hoàng, một nông dân ở Bình Thuận, cho biết thời tiết khắc nghiệt năm nay đã làm sản lượng thanh long của gia đình giảm mạnh. Tháng 8, những cơn mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi, trong đó có cả vườn thanh long của ông. Dù đã nỗ lực khắc phục thiệt hại, sản lượng cuối năm khó có thể phục hồi hoàn toàn.

Theo báo cáo từ tỉnh Bình Thuận, đợt ngập lụt vừa qua đã ảnh hưởng đến 230 hộ dân và hàng trăm ha thanh long, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.

Không chỉ Bình Thuận, một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt những thách thức tương tự. Mưa lớn cùng thời tiết thất thường đã khiến cây trồng khó đậu trái.

Ở Đồng Tháp, ông Thuận, một người trồng xoài, cho hay vườn xoài trái vụ của gia đình đang gặp khó khăn trong việc ra hoa, đậu trái cho vụ Tết. Ông lo với thời tiết này, sản lượng có thể giảm 30% so với cùng kỳ.

Cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp). Ảnh: Thi Hà

Báo cáo từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại các tỉnh miền Nam cũng chỉ ra rằng, sản lượng của nhiều loại trái cây chủ lực như măng cụt, xoài, thanh long trong tháng 8 đều giảm từ 10-20% so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản lượng thanh long tháng 8 chỉ đạt khoảng 59.700 tấn, giảm tới 38.000 tấn so với tháng trước. Trong khi đó, sản lượng xoài ước đạt 75.700 tấn, giảm 10.900 tấn. Nguyên nhân là năm nay thời tiết bất lợi, ảnh hưởng El Nino, mưa lớn cuối vụ.

Không chỉ trái cây, nguồn cung rau củ cũng đang giảm sút đáng kể. Tại các chợ đầu mối ở TP HCM, lượng rau về chợ đã giảm từ 2-10% so với tháng trước. Mưa nhiều khiến chất lượng rau kém đi, trong khi sản lượng thu hoạch cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một thương lái tại TP HCM, dự báo tình trạng khan hiếm này sẽ còn kéo dài khi miền Bắc vừa hứng chịu cơn bão Yagi, kèm theo lũ lụt và sạt lở. Với tình hình thời tiết khắc nghiệt trên cả nước, giá cả rau quả trong những tháng cuối năm nhiều khả năng tiếp tục tăng cao.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thiên tai và thời tiết bất lợi có thể gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn cung rau quả. "Nguồn cung giảm chắc chắn sẽ đẩy giá tăng", ông nói.

Ngoài nhu cầu trong nước, xuất khẩu nông sản cũng đang trên đà tăng trưởng, khiến giá khó có thể giảm. Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hai Nghị định thư, trong đó sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 19/8. Điều này dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, khi nhu cầu tiêu thụ rau quả toàn cầu gia tăng vào cuối năm, đặc biệt là sầu riêng và dừa.

Ước tính, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2023, trong khi xuất khẩu dừa tươi có thể tăng tới 50%, đạt khoảng 200 triệu USD trong năm 2024.

Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 dự kiến đạt trên 6,5-6,6 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm trước.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các mặt hàng tăng mạnh bao gồm: sầu riêng (tăng 50,4%), dừa (tăng 48,9%), nhãn (tăng 112,6%) và dứa (tăng 184,6%).



Báo cáo phân tích thị trường