Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuẩn mực quản trị doanh nghiệp chưa được coi trọng
12 | 09 | 2007
Quản trị doanh nghiệp có tầm quan trọng hàng đầu đối với tất cả các doanh nghiệp. Nhưng tại Việt Nam, hầu hết các chuẩn mực và nguyên tắc quản trị công ty trong đó có 2 chuẩn mực đặc biệt quan trọng là tính minh bạch và công bố thông tin chỉ được các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ một phần, hoặc chưa được tuân thủ.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, cơ chế quản trị của ba loại hình doanh nghiệp hiện đang tồn tại ở Việt Nam (sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân và đầu tư nước ngoài) có đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài luôn áp dụng hệ thống quản trị của công ty mẹ từ trụ sở chính.

Nói chung, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cơ cấu quản trị chặt chẽ với mục đích chính là phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư ở trụ sở chính, nhưng cũng chính vì thế, lợi ích của cổ đông thiểu số (mà trong các công ty liên doanh thì cổ đông thiểu số thường là bên Việt Nam) không được đề cao và bảo vệ hợp lý.

Trong khi đó, pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư nước ngoài của ta chưa quy định đủ và hợp lý các công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông thiểu số. Hơn nữa, cổ đông thiểu số thường là doanh nghiệp Nhà nước, chỉ tham gia vào quản trị công ty thông qua người đại diện, nên nguy cơ bị thiệt thòi của bên thiểu số có thể còn lớn hơn.

Chế độ quản trị trong doanh nghiệp Nhà nước lại có những bất cập khác. Những người đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước chưa nhận thức được tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp nói chung.

Vấn đề lớn nhất trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người quản lý, bắt nguồn từ việc không xác định được người chủ thực sự. doanh nghiệp Nhà nước là thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước về bản chất cũng chỉ là người đại diện cho phần sở hữu đó.

Chính vì vậy, người quản lý doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm trước một nhóm chủ sở hữu cụ thể nào. Hơn nữa, chưa có thiết chế hay bộ máy để giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp trước quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu.

Doanh nghiệp tư nhân ở nước ta thường được quản trị theo hình thức gia đình, trong đó những người chủ sở hữu đồng thời là những người trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Trong một số doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc có số lượng cổ đông lớn, xung đột giữa cổ đông đa số và cổ đông thiểu số đã xảy ra, có nơi thậm chí rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân ở nước ta nói riêng và của các loại hình doanh nghiệp nói chung là tính kém minh bạch. Các quy định bắt buộc về công khai hoá thông tin chưa được quy định đầy đủ và ngay cả những quy định hiện có vẫn chưa được thực thi có hiệu quả.

Cần có “văn hóa quản lý”

Chia sẻ các kiến thức về quản trị doanh nghiệp của GE nhằm hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Colin Low, Giám đốc phụ trách khu vực Singapore, Philippines và Việt Nam của GE cho biết: sự tuân thủ, tính minh bạch và nhất quán về “Văn hóa quản lý” là nền tảng cho tốc độ phát triển bền vững cao lên tới 8% một năm của Tập đoàn GE.

Ông Colin Low khẳng định trong suốt lịch sử 129 năm của GE, khái niệm “Văn hóa tuân thủ” (Compliance Culture - tuân thủ các qui định của tập đoàn cũng như luật pháp của nước sở tại) đã được các lãnh đạo của tất cả các công ty thuộc Tập đoàn GE quán triệt và nghiêm túc thực hiện.

“Văn hoá tuân thủ” này thấm nhuần không chỉ với Tổng giám đốc và Ban lãnh đạo cấp cao, mà còn rộng rãi tới tất cả các nhân viên của GE, bao gồm cả các vị trí quản lý chung và quản lý bán hàng.

Kinh nghiệm về Tuân thủ của GE bao gồm:

1) Xác định những mong đợi về hiệu quả công việc cho nhân viên, mục đích và mục tiêu của họ và giám sát việc thực hiện;

2) Thường niên tiến hành đánh giá rủi ro trong phạm vi trách nhiệm của từng cá nhân, và luôn sẵn sàng tiếp nhận phản hồi từ nhân viên;

3) Tham dự vào Hội đồng đánh giá việc Tuân thủ khi được yêu cầu;

4) Đảm bảo các quy trình luôn hoạt động nhuần nhuyễn tại tất cả các lĩnh vực nhiều rủi ro nhất;

5) Thông tin rộng rãi và thường xuyên về các kỳ vọng về liêm chính của tập đoàn;

6) Khuyến khích một môi trường trong đó nhân viên luôn công khai thể hiện những vấn đề được quan tâm; và

7) Thực hiện chương trình tiếp nhận phản ánh của nhân viên trong toàn tập đoàn.

Ông Low cho rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của GE trên toàn thế giới, và tại Việt Nam, bắt nguồn từ chính văn hóa này. Nằm trong cam kết với Chính phủ Việt Nam. Ông Low cho biết GE đã chuẩn bị để mở rộng sự có mặt tại Việt Nam, đặc biệt trong việc chia sẻ kiến thức về quản trị doanh nghiệp nhằm đóng góp cho một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và hỗ trợ việc đào tạo các nhà lãnh đạo sẽ đưa đất nước tiến vào thế kỷ 21

.

Và một hành lang pháp lý

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã phần nào nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản trị công ty và thấy được sự cần thiết thay đổi hệ thống quản trị công ty, vì nếu không thay đổi thì sự đào thải của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, các quy định và luật lệ hiện hành ở Việt Nam chưa có đầy đủ hướng dẫn cho các vấn đề về quản trị công ty. Thậm chí các quy định và luật lệ hiện hành về quản trị công ty ở Việt Nam cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ. Các công ty không có đủ các hiểu biết và thông tin về quản trị công ty, thiếu các hướng dẫn về mặt pháp lý liên quan đến quản trị.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), các vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp thường hay mắc phải về quản trị hiện nay chính là việc hội đồng quản trị chưa thực hiện tốt vai trò và chức năng của mình; không minh bạch thông tin; giao dịch với các bên liên quan và xung đột về lợi ích tiềm ẩn; ban kiểm soát chưa thực hiện tốt vai trò chức năng.

Trên thực tế, ban kiểm soát doanh nghiệpcó rất ít quyền hạn. Vị trí này mới chỉ được quy định trên danh nghĩa do yêu cầu của pháp luật. Hơn nữa, một số thành viên hội đồng quản trị cũng ít quan tâm đến việc tham gia phát triển doanh nghiệp. Những cổ đông là người lao động trong công ty thì trên thực tế chỉ quan tâm đến tỷ lệ chia cổ tức.

Chính vì những lý do trên, nhiều công ty cổ phần hóa đã không có chiến lược phát triển rõ ràng và còn có hiện tượng các cán bộ quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng vị thế và chức quyền để điều hành doanh nghiệp theo hướng có lợi cho cá nhân họ.

Trong những công ty cổ phần hóa vẫn còn phần vốn của Nhà nước, thường Nhà nước cử các đại diện từ các cơ quan ban ngành khác nhau tham gia vào bộ máy của doanh nghiệp (vào hội đồng quản trị, ban kiếm soát...). Những đại diện này phải xin ý kiến từ cơ quan chủ quản chứ không thể đưa ra những quyết định ngay lập tức.

Việc minh bạch và công bố thông tin ở Việt Nam còn hạn chế và còn nhiều cản trở do nhiều yếu tố, trong đó có môi trường pháp luật. Ví dụ, chính sách thuế chưa rõ ràng và phụ thuộc quá nhiều vào các quyết định chủ quan của cán bộ thuế cũng có thể làm cho doanh nghiệp khó có thể minh bạch hóa tất cả các giao dịch của mình.

Các doanh nghiệp cho rằng, biện pháp cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam hiện này là cần đào tạo thêm cho các giám đốc và cán bộ quản lý cao cấp về quản trị doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng rất khó tìm được những thành viên hội đồng quản trị giỏi; thực thi chặt chẽ hơn các luật lệ hay quy định hiện hành về quản trị doanh nghiệp; cải cách công tác thực thi thuế để doanh nghiệp có thể minh bạch hơn về tài chính.

Chính vì vậy, cần có nhiều cơ hội hơn nữa để những người làm kinh doanh được học hỏi về những mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới để vừa nâng cao nhận thức và nâng cao trình độ quản trị.

Ngoài việc tham gia các khóa học, các doanh nghiệp Việt Nam có thể trực tiếp thuê chuyên gia về quản trị doanh nghiệp để tư vấn riêng cho phù hợp với hoàn cảnh riêng của công ty mình.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực còn mới mẻ này, vì thế những chương trình hỗ trợ kỹ thuật phù hợp của các tổ chức quốc tế cho doanh nghiệp sẽ rất hữu ích.



Theo: TBKTSG

Báo cáo phân tích thị trường