Không chỉ vậy, thị trường lao động Việt Nam còn được đánh giá là thiếu kỹ sư, công nhân lành nghề và thạo ngoại ngữ.
Lao động Việt Nam đang ở đâu trong khu vực?
Thiếu kỹ sư và quản lý trung gian là thực trạng chung của các nước ASEAN. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tương đối đáp ứng đủ nhu cầu về kỹ sư thì nhiều nhà đầu tư phàn nàn về tình trạng thiếu kỹ sư lành nghề ở các nước ASEAN, đặc biệt là nhân sự trong lĩnh vực thiết kế và phát triển.
Tại Việt Nam, 50,6% các công ty Nhật được hỏi cho rằng họ gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng kỹ sư và 59% thấy khó có thể tìm được người quản lý trung gian phù hợp - mức cao nhất trong các nước ASEAN. Điều này càng khó khắc phục khi ở Việt Nam ngày càng có xu hướng “nhảy việc”, đặc biệt trong đội ngũ lao động trẻ có trình độ và cả lao động phổ thông.
Trong khi Philippines và Indonesia có tỉ lệ thất nghiệp cao và mức cầu lao động còn ít so với mức cung thì ở Việt Nam và Thái Lan lại đang xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân công. Trong 100 công ty Nhật, có 14,5 công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có trình độ ở các địa bàn quanh Tp.HCM và một phần ở Hà Nội. Thực tế trên đặt ra một nghịch lý: có những doanh nghiệp phải nhắm mắt đưa các công nhân với vốn ngoại ngữ ít ỏi và trình độ học vấn tầm “tú tài” lên vị trí lãnh đạo công ty vì không tìm đâu ra người có trình độ cao hơn. |
Về đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin (IT), Việt Nam và Philippines có thuận lợi về chi phí nhân công nhưng nhìn chung lại thiếu trình độ kỹ thuật và ngoại ngữ (tiếng Nhật trong trường hợp các nhà đầu tư Nhật).
Theo khảo sát của Quĩ Nhật Bản, năm 2005 số người Việt Nam đạt chứng chỉ tiếng Nhật, kể cả trình độ sơ cấp (level 1) đến các trình độ cao hơn (level 4), là 5.248 người. Bất lợi hơn, khu vực phía nam Trung Quốc ngay sát Việt Nam lại rất dồi dào về lao động thạo tiếng Nhật (con số tương ứng là 126.422 người), tạo thế cạnh tranh về thu hút đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản.
Tiền lương ở các nước ASEAN, Ấn Độ và Trung Quốc đều có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Chiều hướng này được dự báo là sẽ tiếp tục khi tình hình kinh tế ở các nước được cải thiện.
Nếu không kiểm soát được việc lương tăng thì chi phí nhân công thấp ở ASEAN hay Trung Quốc sẽ dần mất đi vị trí lợi thế so với các khu vực khác trên thế giới. Tỉ lệ các công ty lo ngại về vấn đề này đặc biệt cao ở Việt Nam (85,8% - chỉ sau Indonesia).
Tính cạnh tranh của nguồn nhân lực
Hiện nay, khi nhiều công ty nước ngoài đang tiếp tục đầu tư và mở rộng qui mô ở Việt Nam thì những khiếm khuyết trong nguồn nhân lực càng bộc lộ rõ. Mặc dù nguồn nhân công dồi dào và lương thấp đang tạm thời bù đắp được những khiếm khuyết đó nhưng về lâu dài, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ lao động ở các nước gần kề như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Để tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, Việt Nam không thể trì hoãn việc nâng cao tính cạnh tranh của nguồn nhân lực. Chính phủ và các bên liên quan cần hợp tác hơn nữa với doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục dạy nghề để có thể tạo dựng nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp yêu cầu thực tế của công việc.
Các cơ quan hữu quan cũng nên sử dụng các biện pháp khuyến khích hơn nữa việc tự đào tạo để các nhà máy tự tổ chức cho phù hợp với nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp.