Chị Lê Thị Tuyết là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và là đại diện cho lớp người chuyển tiếp từ thời kỳ bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Chị đã xây dựng thành công hệ thống sản xuất, chế biến thực phẩm mang tên thương hiệu Kim Liên. Công ty của chị đã nhận được hai Huy chương vàng tại hội chợ quốc tế còn chị đã được Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tăng danh hiệu nữ doanh nhân tài năng.
Đến nay, Công ty TNHH Kim Liên do chị Lê Thị Tuyết làm giám đốc đã trở thành nhà sản xuất, chế biến thực phẩm có thương hiệu nổi danh trên thị trường. Các sản phẩm thịt hun khói, xúc xích hun khói của Công ty Kim Liên đã chiếm tới 30% thị phần trong nước.
Ngày mới bắt đầu hoạt động công ty chỉ bán hàng trong phạm vi Hà Nội, nay các sản phẩm của công ty đã vươn ra nhiều thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An. Mặc dù là con người khiêm tốn thế nhưng khi đã là một doanh nhân, chị Tuyết vẫn không thể hài lòng với những gì đã đạt được. Chiến lược của Kim Liên là tiếp tục phát triển và mở rộng đại lý bán hàng trên phạm vi cả nước.
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng Kỹ sư điện hoá năm 1974, chị Tuyết đầu quân cho xí nghiệp thực phẩm Hà Nội. Năm 1994, chị cùng hai người bạn thành lập Công ty TNHH Hải Đăng, đầu tư 78.000 USD mua một dây chuyền sản xuất thịt hun khói công nghệ Australia.
Tuy nhiên, do thiếu chuyên môn về chế biến thực phẩm, Công ty đã mua dây chuyền không thể cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Trong 15 ngày chạy thử, từ 1 tấn thịt tươi sản xuất được hơn 500 kg thành phẩm không đạt yêu cầu nên số sản phẩm làm ra đã phải cho người quen ở tận Hà Nam để làm thức ăn cho lợn.
Tháng 7/1995, gần 1 năm kể từ khi dây chuyền vận hành không thành công, Công ty TNHH Hải Đăng đóng cửa, chị Tuyết rời công ty với số tiền lỗ là 6.700 USD.
Quyết tâm làm lại từ đầu
Tuy thất bại, nhưng với số tiền còn lại khoảng 2.000 USD và một số vốn vay mượn bạn bè với lãi suất 1%/tháng (đôi khi phải vay nóng với lãi suất 8%/ngày), chị Tuyết vẫn quyết tâm gây dựng lại công ty. Những đổi thay của đất nước và cả những thất bại đã đem lại cho chị Tuyết nhiều kinh nghiệm quí giá. Hơn nữa trải qua những va vấp và thử thách đó chị Tuyết cũng đã có được nhiều mối quan hệ cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình.
Giống như nhiều nhà kinh doanh khác, những người bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh doanh sau những lần thất bại ban đầu, chị Tuyết đã cố gắng thực hiện các hoạt động ngắn hạn để chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi.
Hai tháng sau, tuy không có máy móc để sản xuất và trong tình trạng thiếu vốn, chị vẫn giữ khách hàng bằng cách xuống Hải Phòng mua thịt hun khói về Hà Nội bán lỗ vốn (vì mua 5.200 đồng bán 5.000 đồng). Cách giải quyết khó khăn của chị Tuyết chính là một yếu tố quan trọng giúp chị thành công. Không phải ai cũng liều để thực hiện một chiến lược kinh doanh chịu lỗ để duy trì quan hệ với khách hàng.
Giải pháp tình thế trên không chỉ giúp chị giữ được khách hàng mà còn giúp chị, với vai trò của một người mua, tiếp cận với công nghệ thịt hun khói.
Trong một chuyến thăm Công ty chế biến thực phẩm ở Hải Phòng, chị đã dẫn thêm 2 kỹ sư đi theo và với khả năng nhạy bén và tính sáng tạo chị đã học "lỏm" được công nghệ hun khói. Ba tháng sau, chị lắp đặt một dây chuyền theo công nghệ của Việt Nam. Dây chuyền hoạt động tốt, được nâng cấp vài lần và hiện vẫn đang được sử dụng.
Thành công ban đầu này làm nền tảng để chị thành lập Công ty TNHH Kim Liên vào năm 1996, gần một năm sau sự đổ bể đầu tiên. Công ty có cơ cấu hoạt động đơn giản, gồm một người chủ và vài người thợ, chủ yếu là anh em họ hàng. Hoạt động sản xuất được thực hiện ngay trên diện tích 100 m2 của gia đình.
Thành công với thịt hun khói
Chỉ hai năm sau, chị Tuyết đã sớm thành công với các mặt hàng thịt hun khói, xúc xích hun khói. Thương hiệu Kim Liên bắt đầu có được uy tín và chỗ đứng trên thị trường và bà giám độc công ty đã mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các mặt hàng sản phẩm mới cho đa dạng.
Hiện nay công ty đã có thể tự hào là nhà cung cáp khá đầy đủ các sản phẩm thịt hun khói như như thăn lợn, bò, xúc xích, salami, và jăm bông. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, chị Tuyết đã không ngừng bằng cách nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm và hình thức bán lẻ.
Từ năm 2002, để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của người tiêu dùng, công ty tung ra thị trường những mặt hàng mới như đùi lợn, gà và đùi gà hun khói, gà quấn giăm bông, chân giò nhồi, ruốc cá, thịt, tôm bao mía, giò (bò, gà), và giò xào. Với chất lượng tốt, ngon, giá rẻ và đảm bảo vệ sinh, sản phẩm của công ty đã thâm nhập được vào nhiều siêu thị và khách sạn lớn.
Để khuyến khích bán hàng, công ty đã áp dụng hàng loạt phương thức bán hàng linh hoạt như chấp nhận bán trả chậm, thanh toán cuối tháng. Công ty đã nâng công suất từ 350kg/ngày lên 500kg/ngày. Doanh số cũng tăng từ con số khiêm tốn là 200 triệu đồng/năm lên 8 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận cũng ngày một tăng, với chỉ số lợi nhuận trên vốn tăng từ khoảng dưới 3% lên tới 10% mỗi năm. Lương công nhân cũng tăng gần gấp ba lần, từ 250.000đồng/tháng lên 700.000đồng/tháng. Nguồn nhân công ban đầu là anh em bạn bè, nay công ty đã tuyển thêm các nhân công có tay nghề và trình độ cơ khí.
Khi được hỏi về bí quyết thành công của công ty trước rất nhiều đối thủ cạnh tranh lớn, chị Tuyết trả lời rất đơn giản: "Chỉ bằng cách cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm".
Đằng sau phiếm từ "chỉ" mà chị nói là cả chuỗi lao tâm khổ tứ của người phụ nữ dám chấp nhận mọi thách thức trên thương trường. Bên cạnh mục tiêu gia tăng thị phần trong nước, chị Tuyết đang nuôi quyết tâm trong tương lai là phải xuất khẩu được sản phẩm sang các thị trường giá trị cao.
Ai đã từng gặp chị Tuyết, thấy chị nói và chị làm không chỉ vì mục tiêu kinh doanh đơn thuần mà là cả một sự đam mê. Chính lòng say mê nghề nghiệp luôn đưa chị Tuyết đến với những sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ và nguồn cung cấp nguyên liệu thô còn khiêm tốn của mình để chống lại sự cạnh tranh, đồng thời cũng khôn khéo bắt chước các sản phẩm khác rồi nâng cao chất lượng và hạ giá thành các sản phẩm do mình làm ra. Chị cũng đã áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chất lượng cho sản phẩm của mình trong khi đối với ngành thực phẩm, việc được chứng nhận một cách chính thức rất tốn kém.
Thành công của chị Tuyết với công ty chế biến thực phẩm Kim Liên không những được khách hàng công nhận mà còn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngày đưa dây chuyền sản xuất thực phẩm được chế tạo trong nước đi vào hoạt động, Công ty Kim Liên và người nữ giám đốc tài ba của mình đã vinh dự được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới thăm và chúc mừng.
Năm 2004, chị Tuyết vinh dự được Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tặng bằng khen cho nữ doanh nhân thành đạt. Chị cũng được tổ chức ADB giới thiệu là tấm gương thành công kinh doanh trong khuôn khổ dự án Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo do tổ chức này hỗ trợ.