Hiện cả nước có 15 công ty chứng khoán (CK) và 2 trung tâm giao dịch (TTGD) CK tại Hà Nội và TP.HCM. Lượng giao dịch khá nhỏ, chỉ khoảng 7-10 triệu USD/ngày (so với Thái Lan là hàng trăm triệu USD). Dù vậy, tiềm năng phát triển của thị trường CK tại VN vẫn được đánh giá cao. Theo ước tính của công ty quản lý Quỹ Dragon Capital, trong năm 2006, thị trường CK VN nhận được khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài. Tổng giá trị của thị trường cổ phiếu tính đến tháng 7/2006 tại Việt Nam đạt khoảng 7,7% GDP của năm 2005. Với dự báo một loạt doanh nghiệp (DN) lớn sẽ niêm yết trong năm tới, cùng kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, ta có thể mường tượng được sự sầm uất của thị trường CK VN trong tương lai rất gần.
|
Nguồn: mof.gov |
Tuy nhiên, vấn đề gây trở ngại nhất đối với phát triển thị trường CK Việt Nam hiện nay lại chính là bài toán kết nối và ứng dụng CNTT. Trong hoạt động CK, thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng để nhà đầu tư ra quyết định. Để thông tin được minh bạch, tức thời và thông suốt, các hệ thống thông tin trên thị trường CK giữa nhà đầu tư, công ty niêm yết, tổ chức CK, thành viên... cần được thông suốt với nhau qua một kết nối duy nhất. Ở mức cao hơn, hệ thống giao dịch CK cần phải đáp ứng nhu cầu giao dịch từ xa.
Đảm nhiệm vai trò đầu mối giao dịch CK ở Việt Nam hiện nay là TTGDCK Hà Nội và TTGDCK TP.HCM. Mặc dù đầu tư rất nhiều vào CNTT nhưng cả hai trung tâm này hiện vẫn tồn tại phương pháp nhập lệnh thủ công tại sàn. Giao dịch giữa các công ty CK với 2 sàn giao dịch này đều phải qua các hình thức truyền tin trung gian như: e-mail, fax, điện thoại, mà không thể chuyển lệnh trực tiếp lên sàn. Chính nút cổ chai này đã làm hạn chế nhiều cơ hội đầu tư cũng như nhu cầu giao dịch của thị trường CK.
Được biết, nguyên nhân chính là do các hệ thống CNTT tại 2 trung tâm này đều đang ở tình trạng đầu tư nửa vời và thiếu tính hệ thống ngay từ ban đầu. Tại TT GDCK Hà Nội, PM đang sử dụng do một công ty trong nước xây dựng, xuất phát từ yêu cầu của Trung Tâm. PM này có năng lực xử lý khá tốt, cho phép Trung Tâm làm việc với 50 công ty CK thành viên (hiện có 15), với khối lượng giao dịch mỗi phiên là 1 triệu lệnh, số lượng CK là 10.000 (hiện mới có 11 cổ phiếu và 21 trái phiếu). Tuy nhiên, PM này đang bộc lộ hạn chế lớn về quy trình nghiệp vụ do chỉ cho phép nhập lệnh tại sàn chứ chưa hỗ trợ giao dịch từ xa. Một tồn tại khác theo ông Nguyễn Văn Dũng, phó giám đốc TTGDCK Hà Nội là do kinh phí đầu tư hạn hẹp, nên Trung Tâm thiếu hệ thống mạng WAN hoàn chỉnh để kết nối với các công ty CK thành viên. Còn tại TP.HCM, khó khăn lớn lại nằm ở chỗ, hệ thống PM xử lý lệnh (của Thái Lan) tuy theo chuẩn mực quốc tế nhưng lại không được hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu Việt Nam.
Để giải quyết khó khăn này, theo bà Vũ Thị Kim Liên, phó chủ tịch Ủy ban CK Nhà Nước, hạ tầng công nghệ chung cho thị trường CK VN, bao gồm cả các công ty CK, cần được xây dựng. Theo đó, dự kiến cuối năm 2008, các công ty CK có thể giao dịch trực tuyến với các sàn giao dịch và thống nhất theo 2 đầu mối TT GDCK ở TP.HCM và Hà Nội. Theo kế hoạch, TTGD CK TP.HCM sẽ là trọng điểm đầu tư vì là sàn giao dịch chính. Yêu cầu đối với sàn này là công nghệ phải hiện đại và có khả năng liên kết với các sàn giao dịch trong khu vực.