Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiếp cận nguồn lực: DN vẫn kêu khó
08 | 09 | 2007
Hội nghị phát triển Doanh nghiệp dân doanh giai đoạn 2007 - 2010 không phải là cuộc đối thoại về những khó khăn của DN. Nhưng đa số các ý kiến của DN phát biểu đã đề cập đến những khó khăn cụ thể, qua đó cho thấy, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều cản trở, những quy định và luật phát đã có nhưng việc triển khai là chưa thông suốt và chưa đồng bộ.
Vốn, đất đai: Bức xúc vẫn triền miên

Rất nhiều câu chuyện cũ và rất cũ nhưng mỗi lần gặp gỡ với Chính phủ và các bộ ngành, DN lại kêu và mỗi lần lại có những khó khăn mới của những vấn đề cũ. Tập trung nhất là những bất cập trong việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai.

Bà Võ Thị Mượt, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Phát, Tây Ninh khi trao đổi với báo chí vẫn phàn nàn thủ tục vay vốn ngân hàng rườm rà. Để vay được vốn, thời gian thường cũng kéo dài và đối với DN mất thời gian sẽ làm mất cơ hội kinh doanh. Đã có không ít DN mất hợp đồng quan trọng vì thời gian giải quyết vốn kéo dài. Vì thế, đa số DNNVV hiện nay đều huy động vốn tự có, số vốn này rất ít và không thể giúp DN đột phá được. Có lẽ đây là nguyên nhân DN chậm phát triển về quy mô. Bên cạnh đó khó khăn về vay vốn ngân hàng đã gây ra vấn nạn cho vay nặng lãi.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Công ty Dịch vụ vận tải Hợp Lực - Thanh Hóa cho biết, nguồn vay ngân hàng chỉ chiếm 30% trong tổng số vốn mà doanh nghiệp này phải huy động từ bên ngoài. Còn lại phải vay mượn từ nhiều nguồn thậm chí vay nặng lãi và vay nóng rồi lấy chỗ này bù chỗ nọ một cách lần hồi. Theo ông Đệ, tính năng động và linh hoạt của DNNVV là họ nắm bắt rất nhanh biến động trên thị trường. Họ có nhiều ý tưởng và nhận ra nhiều cơ hội làm ăn trong thời gian ngắn nhưng do thiếu tiền nên đã không triển khai được, tốc độ phát triển DN vì thế mà bị kìm hãm.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội cho biết, đất đai vẫn là vấn đề rất khó cho các DN ở đô thị lớn. Cả nước có 150 khu công nghiệp, Hà Nội có 18 khu với gần 2.000 ha nhưng chỉ cấp được cho khoảng 240 DN. Hàng ngàn DN khác phải tự lo hoặc đi sang các địa phương khác để thuê đất làm ăn.

Thêm nữa, theo Luật Đất đai mới cho phép DN trong nước tự thỏa thuận với người dân về mua đất làm cơ sở sản xuất. Mất bao công sức, tiền bạc, thủ tục DN mua được đất của dân, đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, đến khi cấp giấy chứng nhận chỉ được xác nhận là đất thuê trả tiền năm một. Với xác nhận này thì DN không thể thế chấp để vay ngân hàng. Thế là hàng tỷ đồng và cả đống tài sản đổ ra để mua đất, xây xưởng lại không thể luân chuyển thành vốn để kinh doanh. Chi phí kinh doanh vì thế mà cao, hiệu quả vì thế mà thấp.

Ông Thái cho biết, ông đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường trước đây đã hứa sửa ngay nhưng văn bản mới nhất liên quan về vấn đề này vẫn không có gì thay đổi. "Thực sự, tôi thất vọng" - ông nói.

Trước những bức xúc này, ngay tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo các ngành ngân hàng, tài chính, các ngân hàng thương mại và các địa phương phải rà soát ngay các chính sách để tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn lực phát triển. Có thể sẽ có một đề án để giúp DN tiếp cận nguồn vốn. Tất cả những điều này sẽ được thể hiện trong Chỉ thị và Nghị định về hỗ trợ phát triển DN ban hành ngay sau hội nghị.

Không thể để DN mất tiền vô lý

Ông Chu Văn An - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Cà Mau rất bức xúc về tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã nhiều năm không giải quyết được. Điều này gây ảnh hưởng cho uy tín thủy sản Việt Nam và có nguy cơ mất nhều thị trường quan trọng.

Tuy nhiên, điều làm ông thất vọng hơn là các cơ quan chức năng chưa làm hết sức mình, mặc dù đã có một sự thống nhất giữa ngành thủy sản và các cơ quan quản lý thị trường, an toàn thực phẩm... về việc kiểm tra nguồn tôm nguyên liệu. Để hỗ trợ các cơ quan này làm việc, DN mỗi năm đóng mấy chục triệu đồng, hàng trăm DN đóng liên tục trong nhiều năm số tiền có khi lên đến hàng triệu USD nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề gì.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Giám đốc Công ty Lâm sản Tuyên Quang lại cho biết, xe lưu thông trên đường thường xuyên phải chi các khoản "bồi dưỡng" cho các lực lượng kiểm tra nhiều khi lớn hơn cả tiền xăng dầu. Điều này như là một vấn nạn, các cơ quan chức năng Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của chính mình lại thường thu thêm phí của DN như: kiểm tra chất lượng an toàn sản phẩm là công việc của cơ quan đảm bảo an toàn nhưng DN vẫn mất tiền nếu muốn có giấy chứng nhận nhanh... Đây là một thực tế, khi có đến hơn 68% DN thừa nhận thường xuyên phải trả các chi phí không chính thức trong các hoạt động kinh doanh.

Một câu chuyện khác là việc quá lạm dụng doanh nghiệp và tràn lan các giải thưởng. Ông Chu Văn An phản ánh, có nhiều giải thưởng không có uy tín, quá nhiều cơ quan tổ chức giải thưởng mà không theo một tiêu chí nào. Việc trao tặng giải thưởng cho những đối tượng không xứng đáng làm cho DN nhàm chán và cảm thấy xúc phạm. Ông An cho biết, có những giải thưởng không có bất cứ xét chọn nào, cứ nộp tiền là có giải thưởng. Tôi biết, có giải thưởng chỉ cần nộp một khoản tiền là có giải, ban tổ chức trao giải cho hàng trăm DN, chỉ riêng việc trao giải mà cả buổi chiều không hết.

Ngay sau khi tiếp nhận các ý kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ thái độ: không thể có chuyện DN phải chi tiền cho các cơ quan chức năng đi làm việc. Ngay cả vấn đề tổ chức các giải thưởng phải xem lại, giải thưởng phải có uy tín để tôn vinh DN.

Công khai và cởi mở: DN vẫn chờ đợi!

Ông Nguyễn Văn Đệ cho biết, một trong những khó khăn nhất của DN hiện nay là tiếp cận thông tin. Đa số DNNVV đều thiếu thông tin về mọi mặt chính sách pháp luật, quy hoạch, thị trường... Cần đến gì là chạy khắp nơi để hỏi mà chưa chắc đã có đủ. Vì vậy, những thông tin cần phải sớm công khai minh bạch, tập hợp đầy đủ để DN có địa chỉ để đến tìm mua. Hỗ trợ thông tin là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất.

Theo bà Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM, thì thông tin là một trong 3 lĩnh vực mà WTO không cấm hỗ trợ cùng với đào tạo và nghiên cứu phát triển. "Chúng ta không thể tiếc tiền đầu tư cho thông tin được, thậm chí phải chấp nhận bỏ tiền để mua các dữ liệu từ nước ngoài về để các chuyên gia xử lý và cung cấp cho DN. Cái DN cần nhất là thông tin một cách đầy đủ để quyết định kinh doanh chính xác và mang lại hiệu quả" - bà Hạnh nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị Nhà nước thực hiện quyết liệt hơn yêu cầu về công khai hóa thông tin về chính sách, bộ máy và thủ tục hành chính. Cộng đồng DN đang rất chờ đợi việc công khai và cởi mở các thông tin chuyên ngành từ các cơ quan Nhà nước để phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh.

Cam kết về điều này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói, Nhà nước sẽ đầu tư thiết lập và nâng cao chất lượng các hệ thống thông tin cung cấp cho DN. Thông tin cung cấp theo ngành, nghề, theo lĩnh vực đầu tư - thương mại một cách hệ thống và cập nhật. Các bộ ngành cũng phải tăng cường hệ thống thông tin của mình, hiện đại hóa hoạt động, công khai các thông tin để hỗ trợ DN.

(Nguồn: Vietnamnet)



(Nguồn: Vietnamnet)
Báo cáo phân tích thị trường