Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
30 | 03 | 2009
Ngoài những chính sách kích cầu, Chính phủ nên giúp các doanh nghiệp tăng được tính cạnh tranh như giảm thuế hay xúc tiến thị trường.

Dù đã có sự nới lỏng của chính sách tiền tệ và nhiều chính sách kích cầu đang được triển khai nhưng vẫn có tới 20,8% doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng; 42,9% DN cho rằng tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn trong thời gian tới.

Đây là kết quả cuộc điều tra 300 DN tại các TP lớn Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương... nhằm đánh giá tác động của chính sách tiền tệ và suy giảm kinh tế toàn cầu đến khả năng tiếp cận vốn do nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) phối hợp với Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện từ tháng 12-2008 đến tháng 2-2009.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn (ảnh), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: Nếu như trước đây lãi suất cao là thách thức lớn đối với DN thì nay khó khăn về điều kiện thế chấp và xét duyệt cho vay chính là nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận được vốn vay.

DN nhà nước dễ vay vốn hơn

. Ngay cả khi áp dụng chính sách hỗ trợ 4% lãi suất cho vay, DN vẫn khó khăn tiếp cận vốn, thưa ông?

+ DN rất khó trong việc tiếp cận vốn, đáng chú ý DN vừa và nhỏ (SME) thường khó khăn hơn DN lớn rất nhiều. Hầu hết các DN đều mong muốn là được vay những khoản mới để trả hết những khoản vay có lãi suất cao trước đó. Do đó, khi được bù lãi suất cũng là cái cớ để cho DN đảo nợ. Vậy tại sao nhà nước lại không cho DN đảo nợ? Ngay cả khi chính sách tiền tệ được nới lỏng thì vẫn có đến trên 10% DN vay với lãi suất 16%/năm trong khi có không ít ngân hàng lại đang thừa vốn. Như thế kênh truyền dẫn nguồn vốn từ ngân hàng đến DN bị tắc. Điều này cho thấy những chính sách trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ vẫn ảnh hưởng cho đến tận nay.

. Quan điểm của ông về việc đảo nợ này?

+ Các DN có hoạt động tốt thì nên xem xét cho vay để thực hiện các dự án mới và trả cả những khoản vay với lãi suất cao. Việc đảo nợ này hoàn toàn là chính đáng. Thực tế, các DN đều cho biết họ đang tìm mọi cách để trả những khoản vay trước, có thể từ ngân hàng khác hoặc huy động từ mọi nguồn.

Chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ các DN vượt khó nên việc đảo nợ này cũng hết sức cần thiết đối với sức khỏe của các DN. Qua đó sẽ giúp DN thêm sinh lực trong lúc khó khăn này.

Doanh nghiệp đang bí về đầu ra

. Năm 2008, có thể nói DN rất khó khăn trong khi đó nhiều ngân hàng thì lại thu được lợi nhuận rất lớn. Có mâu thuẫn gì ở đây không, thưa ông?

+ Báo cáo cuối năm của hầu hết các ngân hàng đưa ra là đều có lãi, hoạt động rất tốt trong khi khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thì hoạt động rất bi đát. Các DN thì cần vay vốn nhưng không vay được mà có không ít ngân hàng lại đang thừa tiền. Qua đó cho thấy vai trò của hệ thống ngân hàng huy động ở những nơi dư thừa đến nơi thâm hụt đang bị ách tắc.

Nhìn lại thời gian qua, trong giai đoạn thắt chặt, nhiều ngân hàng quá lo sợ thiếu tính thanh khoản nên đã siết chặt cho vay. Họ chỉ cho những DN làm ăn tốt vay. Ngay cả khi được bù lãi suất thì nhiều SME vẫn không thể tiếp cận được vốn vì không có tín chấp, thế chấp. Điều đó cho thấy chính sách thay đổi thì đối tượng bị tác động lớn nhất là DN chứ không phải ngân hàng.

. Nên có thêm gói kích cầu nữa vì thực sự nhiều DN đang rất khó khăn về vốn?

+ Có thêm gói kích cầu nữa hay không còn phụ thuộc vào tín hiệu của nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Việc nên làm là cần chú trọng hiệu quả của gói kích cầu mà Chính phủ đang thực hiện. Bởi chính sách bù lãi suất chưa thực sự đúng đối tượng. Cụ thể, trong quá trình điều tra, nhiều DN xuất khẩu cho rằng họ không khó khăn về vốn mà thực sự họ đang bí về thị trường. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu việc vay vốn như thế có giúp hỗ trợ được việc làm, thu nhập cho người lao động khi mà không có đơn hàng?

Vì vậy, ngoài những chính sách kích cầu, Chính phủ nên đưa ra những giải pháp để giúp các DN tăng tính cạnh tranh như giảm thuế hay xúc tiến thị trường.

. Xin cảm ơn ông.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường