Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản tiềm năng chưa được khai thác
18 | 12 | 2007
Đối với hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, Nhật Bản luôn là thị trường nhập khẩu lớn, chiếm từ 10-29% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ trước tới nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số trên vẫn chưa xứng với tiềm năng về nguyên liệu và lực lượng lao động hơn 10 triệu người của ngành này, mà nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, thiếu thông tin hỗ trợ thị trường.
Đối với một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố: thứ nhất, sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì; thứ hai, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm và thứ ba, sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, được người Nhật đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn”, thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng.
Vì vậy, để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng với sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày. Hàng hoá sản xuất ra nên phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm bằng cách đa dạng hoá chủng loại, giảm về số lượng thành phẩm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ cần lưu ý: Phải đảm bảo sự cân bằng giữa chất lượng và giá thành sản phẩm, bởi người Nhật quan niệm “hàng rẻ là hàng kém chất lượng”. Họ sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm chất lượng tốt. Thông thường trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến những khách hàng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên nản lòng khi khách hàng Nhật chỉ mua một lượng hàng rất nhỏ vì nhiều khi chỉ từ một lượng hàng nhỏ cũng có thể hình thành cả một trào lưu tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thông qua sự giới thiệu của khách hàng đó với người thân, bạn bè.
Các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản cần lưu ý một số điểm quan trọng, đó là thiết kế phải chuyên nghiệp hơn, sử dụng thích hợp các chất liệu, vật liệu sản xuất sản phẩm, có kèm theo thông tin hướng dẫn cụ thể về tính năng, công dụng, cách sử dụng sản phẩm, sản phẩm phải hài hoà với nhu cầu sử dụng của người Nhật.
Định hướng chiến lược của Chính phủ đề ra đối với hàng thủ công mỹ nghệ là phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phải đạt 1,5 tỉ USD. Trong giai đoạn hiện nay, để tiến tới đạt được mục tiêu trên, thì Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ và EU được đánh giá là 3 thị trường mục tiêu.


Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường