Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Hiệp hội), chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2008 là 4,5 triệu tấn và chỉ công bố một lần. Tuy nhiên, riêng gạo nếp và gạo thơm, các doanh nghiệp được xuất khẩu theo yêu cầu. Với lượng gạo không tăng như vậy, thị trường xuất khẩu trọng điểm của gạo Việt Nam là Philippines, Indonesia, Malaysia, Cu ba sẽ chiếm khoảng 3 triệut ấn, 1,5 triệu tấn còn lại sẽ xuất khẩu thương mại và các thị trường khác.
Để công tác điều hành có hiệu quả, Hiệp hội đề nghị Bộ Công thương giao cho Hiệp hội thống nhất các đơn vị hội viên trong việc thực hiện các hợp đồng tập trung. Riêng hợp đồng với Cuba, các hội viên có nhu cầu cung ứng hoặc uỷ thác liên hệ trực tiếp với Vinafood 1 để giải quyết.
Cơ sở để Hiệp hội phân bổ hợp đồng là kết quả thực hiện 2 năm liền (2006-07), chủ yếu là dựa vào năng lực và khả năng thực hiện. Đơn vị uỷ thác phải đặat cọc 5% giá trị hợp đồng uỷ thác để đảm bảo thực hiện. Đơn vị nào không thực hiện sẽ mất 5% đặt cọc và không được phân uỷ thác tiếp trong 1 năm sau.
Để đảm bảo an ninh lương thực, tất cả các hợp đồng xuất khẩu đều phải đăng ký thông qua Hiệp hội trước khi làm thủ tục hải quan. Số lượng đăng ký hợp đồng của từng đơn vị dựa vào số lượng được giao từ đầu năm, khoảng 60% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân của 2 năm liên tiếp (2006-07) để xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm và 40% cho 6 tháng cuối năm. Khi đăng ký hợp đồng các đơn vị phải có báo cáo danh sách các kho gạo tồn kho, tối thiểu là 50% lượng hợp đồng đã ký.
Liên quan đến giá xuất khẩu, Hiệp hội sẽ thông báo giá xuất khẩu tối thiểu cho các doanh nghiệp, và căn cứ vào đó các doanh nghiệp phải xuất khẩu phù hợp với giá hướng dẫn này.
Để việc điều hành xuất khẩu gạo đạt kết quả, Hiệp hội cũng đã dự thảo Quy chế về việc Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có tham gia xuất khẩu gạo.
(Hải quan Việt Nam)