Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phung Phí cơ hội?
16 | 01 | 2008
Theo dự báo, giá gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2008 cơ hội đã mở ra, nhưng điều nghịch lý là đến giờ này vẫn chưa có nhiều động thái cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang sẵn sàng nắm bắt.

Thậm chí có thể lỗ!

“Các doanh nghiệp sẽ phải rất thận trọng. Nếu ký hợp đồng sơ sẩy là lỗ ngay vì giá sẽ tăng liên tục”, ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong (Cần Thơ) dự đoán. Theo ông, trong năm 2008 này, tốt nhất là các doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với thời hạn giao hàng càng ngắn càng tốt.


Diễn tiến thị trường lúa gạo trong năm 2007 đã cho thấy điều này. Dù rằng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo bình quân trong năm 2007 khá cao - 295 đô la Mỹ/tấn, tức cao hơn năm trước 41 đô la Mỹ, nhưng thực tế vẫn có một số doanh nghiệp thua lỗ vì giá lúa nguyên liệu tăng vọt sau khi ký hợp đồng xuất khẩu.


Ngay từ Hội nghị “Thương mại gạo Quốc tế” tổ chức tại Bali (Indonesia) cuối tháng 10-2007, thông tin dự báo khả quan về giá lúa gạo thế giới trong năm 2008 này đã được nhiều chuyên gia đưa ra. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, lúa mì đã tăng giá gấp ba lần do mất mùa, giá bắp cũng tăng gấp đôi so với năm trước do cầu tăng vọt, sẽ khiến người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới tìm đến với gạo nhiều hơn. Giá gạo dĩ nhiên sẽ tăng, nhưng chính các nhà chuyên môn cũng không thể đưa ra dự đoán là sẽ tăng đến mức nào.


Cũng do thiếu hụt lúa mì và bắp, Ấn Độ đã phải điều chỉnh cán cân lương thực và lấy gạo bù vào. Do đó, kế hoạch xuất khẩu 3,5 triệu tấn của Ấn Độ sẽ không thể thực hiện khiến nguồn cung cho thị trường thế giới càng khan hiếm. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Ấn Độ đã tăng giá xuất khẩu gạo tối thiểu lên 500 đô la Mỹ/tấn nhằm hạn chế xuất khẩu, đồng thời tăng cường mua gạo dự trữ. Còn Indonesia đang dự tính giảm hơn 18% thuế nhập khẩu gạo để bình ổn giá gạo nội địa trong xu thế tăng giá.


Do đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2008 Việt Nam sẽ không lo về thị trường và giá bán gạo xuất khẩu. Dự đoán, giá gạo trong năm nay sẽ ở mức trên 350 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm, và 370 đô la Mỹ trở lên đối với gạo 5% tấm. Đây là mức dự báo vẫn còn khá khiêm tốn.

Nhưng sự thận trọng của ông Hải là có cơ sở, bởi ngay từ đầu tuần này, giá lúa nguyên liệu ở ĐBSCL đã ở mức ngất ngưởng - từ 3.550-3.600 đồng/ki lô gam, tăng khoảng 100 đồng chỉ trong vài ngày. Theo đó, giá gạo xuất khẩu cũng tăng từ 100-150 đồng và ở mức 5.360- 5.600 đồng/ki lô gam!


Trở bộ chậm “Thị trường đã có dự báo như vậy, nhưng đến giờ cơ chế điều hành gạo xuất khẩu trong năm 2008 vẫn chưa có, làm sao chuẩn bị?” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL bức xúc. Ngay cuộc họp hồi cuối tuần qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp cũng chưa được nhận thêm thông tin gì mới vì phải chờ… Bộ Công thương họp bàn, sớm nhất là khoảng cuối tuần này mới có chỉ tiêu xuất khẩu “tạm”. Và theo ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GENTRACO (Cần Thơ), lệnh ngừng ký hợp đồng xuất khẩu mới đối với doanh nghiệp được ban hành từ cuối năm rồi vì lý do an ninh lương thực, nay vẫn còn “treo” lơ lửng.

Ông Hải nhận định, thực ra với dự báo thị trường như vậy thì xuất càng chậm càng tốt và từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay là thời điểm xuất lý tưởng. Tuy nhiên, trái với nhận định của một số doanh nghiệp thì ngay cuối năm 2007, Việt Nam đã tham gia và trúng thầu 410.000/450.000 tấn gạo mời thầu của Philippines (25% tấm) với giá 408,9-410,99 đô la Mỹ/tấn (C & F) và giao trong tháng 1 đến tháng 3-2008. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, với thời hạn trả chậm khoảng 120 ngày và dự báo cung gạo thế giới khan hiếm trong thời gian tới thì mức giá ấy chưa hẳn đã “ngon ăn”. Nhất là hiện nay, giá xăng dầu rục rịch leo thang sẽ ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển. Bởi cùng lúc, Thái Lan cũng dự thầu nhưng không hiểu vô tình hay cố ý đã bỏ giá khá cao, “nhường” Việt Nam trúng thầu?

Và hiện tại, Hiệp hội Lương thực Việt Nam lại đang rốt ráo chuẩn bị dự thầu 0,5 triệu tấn gạo cung cấp cũng cho Philippines. Sự nóng vội tham dự các phiên đấu thầu ngay từ lúc giá mới “lên dốc”, trong khi cơ chế điều hành xuất khẩu ban hành chậm trễ càng khiến một số doanh nghiệp hoài nghi về hiệu quả xuất khẩu gạo trong năm nay. “Với chiều hướng lập lờ như vậy thì chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh hưởng lợi”, ông Xuân nhận định.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp, nôn nóng xuất gạo ngay trong những tháng đầu năm không khéo lại khiến nông dân và cả doanh nghiệp bị thiệt. Như năm 2007, ngay khi vừa vào đầu tháng 4 thì đã có khoảng ba triệu tấn gạo được ký kết theo hợp đồng với giá tạm xem là cao tại thời điểm ấy - bình quân 291 đô la Mỹ/tấn, đến khi hết nguồn để xuất thì Thái Lan ung dung tung gạo ra bán với giá rất cao. Như vào đầu tháng 11-2007, giá gạo 25% tấm của Thái Lan đã là 325 đô la Mỹ/tấn và đến ngày 21-12 vọt lên 355 đô la Mỹ/tấn! Và cả năm 2007, Thái Lan đã xuất khoảng 9,5 triệu tấn gạo, thu về hơn 3,7 tỉ đô la Mỹ, trong khi Việt Nam xuất trên 4,53 triệu tấn (gần bằng một nửa so với Thái Lan) nhưng thu được chỉ 1,4 tỉ đô la Mỹ!

Còn ông Xuân thì càng thắc mắc bởi dự báo thị trường đưa ra sớm như vậy, nhưng các bộ ngành liên quan vẫn không có kế hoạch chỉ đạo để tăng diện tích lúa trong vụ đông xuân. “Đúng ra, vụ đông xuân năm nay phải chỉ đạo để nông dân tập trung sản xuất lúa cao sản - chưa cần lắm lúa chất lượng cao, theo đó ngành Bảo vệ thực vật phải bám sát để bảo vệ mùa màng!”, ông thắc mắc. Như vậy, nông dân lại bỏ cơ hội.

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân này diện tích xuống giống tại ĐBSCL chỉ là gần 1,5 triệu héc ta, tức giảm khoảng 0,05 triệu héc ta so với vụ đông xuân 2006-2007! Sự nóng vội tham dự các phiên đấu thầu ngay từ lúc giá mới “lên dốc”, trong khi cơ chế điều hành xuất khẩu ban hành chậm trễ càng khiến một số doanh nghiệp hoài nghi về hiệu quả xuất khẩu gạo trong năm nay.







Hồ Hùng - rice.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường