Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra Việt Nam : Kỳ tích lớn, thách thức càng lớn
13 | 01 | 2008
Trong cuộc họp diễn ra sáng 21-1 tại TPHCM về “Giải pháp nâng cao uy tín và chất lượng cá tra”, ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban VASEP cho rằng, cá tra Việt Nam (VN) đã tạo nên kỳ tích mới khi kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, với 1 triệu tấn cá nguyên liệu, tương đương gần 400.000 tấn phi lê xuất khẩu (chỉ tiêu đặt ra cho năm 2010), tăng 34,4% so với năm 2006. Như vậy, sau 10 năm, diện tích nuôi loài cá này tăng hơn 7 lần, sản lượng tăng hơn 44 lần, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50 lần.

Thời cơ


Công ty thực phẩm QVD chế biến cá ba sa xuất khẩu qua thị trường Mỹ.

Xuất khẩu cá tra thể hiện khả năng lớn lao, góp phần tạo nên sức tăng trưởng mạnh cho ngành thủy sản xuất khẩu. Về lượng, cá tra là mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn nhất và về giá trị xuất khẩu chỉ sau tôm sú.

Năm 2003, khi Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa các doanh nghiệp (DN) VN từ 36% đến 64%, nhiều người nghĩ, loại cá da trơn này sẽ bị “chết yểu”.

Nhưng việc bị “xử thua” trong sự kiện chống bán phá giá lại là động lực để các DN tích cực tìm thị trường mới. Chỉ 4 năm sau cơ cấu thị trường thay đổi căn bản: Mỹ chỉ còn 6,9% (trước đó là 90%), EU cao nhất với 48%, Nga 9,2%, các nước ASEAN 7,9%, Trung Quốc (kể cả Hongkong) 4%, Australia 3,9% và 20,1% các thị trường khác. Cá da trơn VN có mặt ở 144 nước. Sản lượng nuôi từ 22.500 tấn lên 1 triệu tấn, dự kiến năm 2008 là 1,2 triệu tấn và 1,2 tỷ USD xuất khẩu.

Theo nhận định của VASEP, các thị trường chính xuất khẩu cá tra VN, nhất là EU, ASEAN, Nga… tiếp tục có mức tăng trưởng cao, do sản lượng thủy sản của toàn EU bị cắt giảm.

Ngay cả thị trường Mỹ năm 2008, thủy sản VN cũng sẽ có nhiều cơ hội phục hồi vì đây là thời điểm xem xét hành chánh “hoàng hôn” (sunset review) vụ kiện chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh của Mỹ. Nếu vận động tốt có thể tiến tới bãi bỏ vụ kiện và lúc đó, thị phần tại Mỹ sẽ tăng mạnh trở lại.


Và nguy cơ “cấm cửa”

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội còn có nguy cơ hiện hữu ngày càng lớn về khả năng bị “cấm cửa” đối với các DNVN nếu tiếp tục kiểu làm ăn cũ. Trước đây 1 năm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP cho biết, một nghiên cứu của trường đại học Đức về hàm lượng nước và đạm trong phi lê các loại cá, thì chất lượng các mẫu cá da trơn VN là kém nhất, lượng nước lên đến 82,3% (quá cao) và hàm lượng đạm chỉ còn 13,8% (quá thấp) so với các loại cá da trơn khác trên thế giới. Kiểu làm ăn chụp giật của một số DN làm giảm uy tín và hình ảnh cá da trơn VN trên thế giới.

Vì vậy, tại cuộc họp này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nếu với tình trạng tỷ lệ “mạ băng” hiện nay của nhiều DN lên đến 40%-50%, thủy sản VN không chỉ bị các nước cấm cửa mà cả người tiêu dùng trong nước cũng tẩy chay, và khi đó cá tra VN sẽ “chết” thật sự.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lương Lê Phương nhấn mạnh, không thể chấp nhận kiểu làm gian dối gây mất uy tín sản phẩm quốc gia, một trong những sản phẩm chủ lực xuất khẩu của VN. Bộ NN-PTNT sẽ xử lý nghiêm việc này, đặc biệt ở những DN chế biến gia công.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiến tới việc cấp “thẻ xanh” cho những DN làm ăn uy tín, ổn định chất lượng, giảm thiểu số lần kiểm tra ở những DN này và tăng cường kiểm tra đối với DN vi phạm. Trong thời kỳ hội nhập, nếu chủ quan chúng ta sẽ mất dần thị trường các nước và có thể thua ngay trên sân nhà khi các nước trong khu vực bắt đầu nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra.


Báo cáo phân tích thị trường